Nhắc đến mùa đông Nhật Bản bạn sẽ nghĩ đến điều gì đâu tiên, phải chăng là xứ tuyết Hokkaido và những lễ hội mùa đông? Không chỉ có những lễ hội tuyết nổi tiếng, mùa đông Nhật Bản còn là thời điểm lý tưởng để thưởng thức nhiều món ngon.
Nếu có cơ hội, đừng ngại ngần thưởng thức những món ăn mùa đông Nhật Bản mà KAHA sẽ giới thiệu sau đây nhé!
Cua tuyết
Nhắc đến ẩm thực mùa đông xứ sở Phù Tang sao có thể bỏ qua cua tuyết – loài cua được mệnh danh là “vua của các món ngon mùa đông Nhật Bản”.
Tháng 11 đến tháng 3 hàng năm là mùa đánh bắt cua tuyết, có một số cảng cá nổi tiếng dọc theo bờ biển phía đông của Nhật Bản, nơi cua tươi được đánh bắt và cập bến. Vào mùa này, khách du lịch từ khắp nơi trên đất nước thường đổ xô về đây chỉ để có thể nếm được những con cua tuyết tươi ngon nhất.
Ở Nhật Bản, cua tuyết được chế biến theo nhiều cách khác nhau như luộc, nướng, làm Tempura. nhưng để có thể tận hưởng trọn vẹn hương vị tươi nguyên của biển cả, nhiều người thường thích ăn cua tuyết sống.
Ozoni
“お雑煮 – Ozoni” là một món súp đặc biệt thường được người Nhật ăn vào buổi sáng ngày đầu năm mới để cầu mong cho một năm sung túc, thịnh vượng. Một bát Ozoni truyền thống thường có bánh mochi, thịt gà, cà rốt, nấm. và các loại rau củ khác, tất cả cùng hòa quyện trong nước dùng Dashi.
Tùy từng địa phương mà nguyên liệu được sử dụng, cách nêm nếm gia vị và hình dáng bánh mochi sẽ có sự khác biệt. Chẳng hạn ở vùng Kanto như Tokyo, người ta thường sử dụng mochi hình vuông trong khi đó ở vùng Kansai, bao gồm Kyoto và Osaka, người dân lại ưa thích bánh mochi tròn và món súp Ozoni có chút hương vị Miso.
Udon cà ri
Đối với người Nhật, cà ri chính là hương vị quê hương trong trái tim. Mặc dù có nguồn từ Ấn Độ, nhưng từ khi du nhập vào Nhật Bản, cà ri đã được thổi linh hồn của nền ẩm thực truyền thống xứ sở Phù Tang, biến tấu sao cho phù hợp với vị giác của người Nhật để cuối cùng cà ri Nhật Bản thực sự trở thành một thương hiệu riêng biệt.
Cà ri thường được người Nhật ăn cùng với cơm trắng hoặc mì sợi. Và trong tiết trời lạnh giá, thưởng thức một bát mì Udon cà ri béo ngậy, thơm nồng với sợi mì dày, dai nghi ngút khói chắc chắn là mỹ vị nhân gian.
Chawamushi
Trong tiếng Nhật “茶碗 – chawan” có nghĩa là tách trà, còn “蒸し – mushi” có nghĩa là chưng, hấp. Như vậy, “茶碗蒸し – Chawanmushi” là “món hấp trong tách trà”, một món ăn vô cùng thú vị.
Chawanmushi là sự kết hợp giữa các nguyên liệu như thịt gà, nấm hương, yurine (rễ một loại củ thuộc họ hoa loa kèn), ngò. được thêm vào hỗn hợp trứng và nước dùng Dashi rồi hấp chín trong một vật đựng có hình tách trà.
Chìa khóa để tạo nên một món Chawanmushi thực sự ngon là ở hương vị tinh tế, người nấu phải nêm nếm nước tương sao cho không quá mặn cũng chẳng quá nhạt. Ngoài ra, khi hấp hỗn hợp cũng phải canh lửa một cách cẩn thận để đảm bảo món ăn mềm mượt, đặc sánh mà không bị rỗ mặt.
Các biến thể phổ biến khác của Chawanmushi có thể có thêm hải sản, kamaboko (một loại chả cá Nhật Bản), cà rốt hoặc bạch quả.
Oshiruko/ Zenzai
Nếu là một tín đồ hảo ngọt thì đây sẽ là món ăn mà bạn không thể nào bỏ qua khi ở Nhật vào mùa đông. “お汁粉 – Oshiruko” hay “ぜんざい – Zenzai” là một món ăn ngọt tựa như chè của Việt Nam, được làm bằng cách thêm bánh gạo Mochi và bánh Shiratama làm từ bột gạo nếp vào nước dùng đậu đỏ được nấu từ Koshian (mứt đậu đỏ nghiền nhuyễn) hoặc Tsubuan (mứt đậu đỏ để nguyên hạt).
Cách gọi Oshiruko hay Zenzai còn tùy thuộc vào từng địa phương. Ở Kanto, dù nước dùng đậu đỏ được nấu từ Koshian hay Tsubuan, còn nguyên hạt đậu hay không người ta đều gọi là Oshiruko. Trong khi đó, người dân Kanssai thường phân biệt rõ Oshiruko và Zenzai, nếu được nấu từ Tsubuan và còn nguyên hạt đậu đỏ Azduki, món ăn được gọi là Zenzai; còn nếu nấu từ Koshian với đậu đỏ đã được nghiền nhuyễn thì là Oshiruko.
Dù gọi là Oshiruko hay Zenzai thì đây đều là món ngọt truyền thống phổ biến vào mùa đông ở Nhật. Một bát Oshiruko/Zenzai ngọt bùi nóng hổi sẽ mang đến hơi ấm cho cơ thể bạn trong những ngày trời đông giá rét.
Mikan
Mikan là một loại trái cây thường được gọi là cam quýt ở các nước khác. Về cơ bản, Mikan có nét tương đồng với cam, nhưng vỏ mềm hơn và có thể dễ dàng bóc bằng tay. Nhật Bản tự hào có nhiều khu vực sản xuất Mikan nổi tiếng như tỉnh Shizuoka và tỉnh Ehime, nơi được biết đến rộng rãi với khí hậu ấm áp thích hợp để chúng phát triển tốt.
Mikan Nhật Bản giàu vitamin C, mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cơ thể và làn da. Loại quả này chắc chắn là một lựa chọn không tồi cho một ngày mùa đông lạnh giá.
Kanisuki (Hokkaido)
Một trong những món nabe đặc trưng nhất của Hokkaido là kanisuki hay lẩu cua. Khi nói về ẩm thực miền Bắc Nhật Bản, người ta thường nghĩ ngay đến cua, đặc biệt là cua hoàng đế đỏ và cua tuyết được đánh bắt ngoài khơi bờ biển Hokkaido. Kanisuki là sự kết hợp những chiếc chân cua béo múp và ngọt thịt, với nước dùng tinh tế được ninh từ kombu (rong biển) nêm với xốt ponzu. Khi thưởng thức kanisuki, ngoài đồ nhúng là nấm, negi (hành lá) và bắp cải, có thể ăn cùng một ít cơm để thêm chắc bụng.
Kiritanpo nabe (Akita)
Tỉnh Akita nổi tiếng với loại gạo thơm ngon vậy nên không có gì ngạc nhiên khi gạo là “ngôi sao” của loại lẩu này. Kiritanpo là món cơm được giã nhuyễn và nặn thành hình trụ rồi quấn quanh một que gỗ tuyết tùng, sau đó nhúng vào miso và nướng trên bếp than. Khi thêm vào lẩu, như trong món kiritanpo nabe, chúng được lấy ra khỏi que và hầm cùng với thịt gà và rau. Hành lá, rau mùi tây Nhật Bản và rễ cây ngưu bàng là những nguyên liệu phổ biến trong món lẩu này, được nấu theo kiểu truyền thống cùng với thịt gà địa phương trong nước dùng xương gà.
Houtou nabe (Yamanashi)
Có nguồn gốc từ Yamanashi, loại lẩu giàu tinh bột, nhiều rau củ, vị miso này có thể giúp bạn sưởi ấm trong những ngày đông lạnh giá. Điểm nổi bật của món lẩu là houtou, một loại mì sợi to và dày, đặc sản của tỉnh Yamanashi. Nước dùng cũng có hương vị đậm đà nấu từ koshu miso hoặc shinshu miso được sản xuất tại địa phương, cùng với kombu và nước cốt dashi cá cơm. Các loại rau ăn kèm phổ biến bao gồm bí ngô, nấm, bắp cải, hành negi và củ cải trắng.
Shishi nabe (Ibaraki)
Shishi nabe là tên gọi của lẩu thịt heo rừng (inoshishi) – nguồn cung cấp protein quan trọng ở Nhật Bản trước đây. Món lẩu độc đáo này được chế biến bằng cách ninh thịt lợn rừng trong nước dùng miso hoặc nước tương cùng với đậu phụ, các loại rau lá, nấm và củ; ninh càng lâu, thịt lợn sẽ càng mềm và nước dùng càng béo.
Chanko nabe (Tokyo)
Nếu bạn đang tìm kiếm một món lẩu thơm ngon và nhiều thịt thì không gì hoàn hảo bằng chanko nabe, món ăn truyền thống được các đô vật sumo ăn như một phần trong thực đơn tăng cân của họ. Điểm độc đáo của chanko nabe là không có một công thức chung nào, và tất cả các loại thực phẩm chứa protein như thịt viên, phi lê cá, đùi gà, chân cua và xúc xích cùng với nhiều loại rau củ đều có thể cho vào nồi lẩu này, vì vậy có thể thoải mái tùy chỉnh theo sở thích cá nhân. Nước dùng lẩu thường được nấu từ thịt gà hoặc nước dùng dashi, nêm với mirin và rượu sake.
Akakara nabe (Aichi)
Món lẩu đến từ Aichi này có màu đỏ và hương vị đậm đà từ sự pha trộn độc đáo giữa tương miso đỏ và ớt togarashi. Nước dùng cay nồng của akakara nabe thường được ăn cùng với đồ lòng và tsukune (thịt gà viên) cũng như nhiều loại rau, giá đỗ, bắp cải và hẹ.
Chiritori nabe (Osaka)
Là món lẩu có nguồn gốc từ Osaka, chiritori nabe có tên gọi khá thú vị với “chiritori” (ちり取り) trong tiếng Nhật có nghĩa là “xẻng hốt rác”. Món ăn này có các thành phần như đồ lòng, thịt bò, thịt heo, các loại rau như tỏi tây, hẹ, hành tây, giá đỗ và bắp cải. Về nước dùng, có nhiều biến thể về thành phần, bao gồm muối, cà ri và sữa đậu nành, cùng với các loại gia vị phổ biến tạo nên hương vị Hàn Quốc, chẳng hạn như gochujang (tương ớt Hàn Quốc) và kim chi.
Fugu chiri (Yamaguchi)
Yamaguchi được xem là thủ phủ của cá nóc (fugu) và món lẩu đặc trưng của tỉnh là fugu chiri với nguyên liệu chính là loài cá “cực độc” này. Tuy nhiên, đừng lo lắng, món lẩu hấp dẫn này chỉ được nấu bởi các đầu bếp được cấp phép và có kinh nghiệm trong chế biến cá nóc. Fugu chiri bao gồm những miếng cá phi lê và thân cá được ninh trong nước dùng dashi cùng với đậu phụ và các loại rau theo mùa. Khi ăn, có thể chấm những lát cá nóc sẽ vào xốt ponzu để tăng thêm hương vị.
Mizutaki (Fukuoka)
Người ta nói rằng, món lẩu này được sáng tạo bởi Hayashida Heizaburo, một người đến từ Nagasaki. Năm 1897, Hayashida đến Hồng Kông và sống với một gia đình người Anh để học nấu ăn, sau đó ông đã tạo ra mizutaki bằng cách kết hợp món xúp kiểu Tây với gà hầm kiểu Trung Quốc. Năm 1905, Hayashida mở cửa tiệm bán mizutaki đầu tiên của mình ở Hakata với tên gọi “Suigetsu” và nhà hàng này ngày nay vẫn còn tồn tại.
Nguyên liệu chính của mizutaki là thịt gà cắt nhỏ, được ninh trong nước nhiều giờ mà không thêm gia vị như nước tương hay muối. Sau đó, hành negi, nấm, bắp cải và các loại rau củ tùy thích được thêm vào. Kết quả sẽ là một nồi lẩu với nước dùng đậm đà, ngọt vị umami.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|