Một cậu học sinh 12 tuổi sống ở thành phố Owase gần đây đã vượt qua “Kỳ thi xử lý cá nóc”. Đây là lần đầu tiên một học sinh ở độ tuổi này có thể vượt qua kỳ thi ở tỉnh Mie.
Yusuke quyết định nâng cao tay nghề của mình với việc tập luyện chế biến Fuku (cá nóc) cực độc bằng cách xem video trên Youtube và học hỏi từ các chuyên gia. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, cậu bé quyết định tham gia kỳ thi chế biến cá nóc được tổ chức vào tháng 01/2024 và nhận được chứng chỉ trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Thị trưởng thành phố Owase hào hứng chia sẻ: “Tôi rất ngạc nhiên khi một học sinh tiểu học có thể vượt qua kỳ thi mà không nhiều người lớn có thể làm được”. Đây quả thực là tin vui với thành phố Owase, nơi ngành công nghiệp đánh cá đang phát triển mạnh mẽ nhưng phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.
Thành công của Yusuke có sự đóng góp không nhỏ từ người thầy của cậu bé – Kitamura Goh, chủ một cửa hàng bán cá khô ở thành phố Owase. Kitamura không chỉ chia sẻ kiến thức chuyên môn sâu rộng về cá mà còn cổ vũ Yusuke theo đuổi kỳ thi chế biến cá Fugu khi giới hạn độ tuổi được dỡ bỏ. Một lời đề nghị bình thường nhanh chóng trở thành một tham vọng nghiêm túc đối với Yusuke khi cậu được người thầy khuyến khích.Fugu – cá nóc giữ một vị trí đặc biệt trong ẩm thực Nhật Bản từ xa xưa khi các nhà khảo cổ học phát hiện ra xương cá nóc vào thời kỳ Jomon.
Tuy nổi tiếng với chất độc cực mạnh gọi là tetrodotoxin tồn tại trong máu, cơ, các cơ quan và da, nhưng ít ai biết rằng bản thân Fuku không chứa độc tự nhiên. Chính vi khuẩn biển mà nó ăn phải khiến nó có độc tính cao. Sự tích tụ của những vi khuẩn này trong cơ thể dẫn đến mức độ độc tính khác nhau.
Dù chứa độc ở bất kỳ dạng nào thì chung quy Fuku vẫn là loại cá nguy hiểm và không được khuyến khích ăn nếu như không được chế biến đúng quy chuẩn. Chính vì thế, kể từ năm 1947, chính phủ Nhật Bản đã đặt ra các quy định về chế biến cá nóc để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của món ăn này trên toàn quốc.
Theo Đạo luật Vệ sinh Thực phẩm (Đạo luật số 233 năm 1947), chỉ những cá nhân có giấy phép và chứng nhận phù hợp mới có thể xử lý cá nóc. Năm 1983, Bộ Y tế ban hành thông báo về “đảm bảo vệ sinh của cá Fugu”, đưa ra hướng dẫn chi tiết về các loại cá nóc, các bộ phận ăn được và các yêu cầu chế biến phải tuân thủ.
Nhưng ở mỗi tỉnh thì các quy định này rất khác nhau và thiếu tính thống nhất. Mỗi khu vực có những yêu cầu riêng đối với tay nghề của các cá nhân xử lý cá nóc, dẫn đến sự không nhất quán trong việc cấp phép.
Năm 2015, Bộ Y tế cho biết có 20 bộ hướng dẫn khác nhau ở 47 tỉnh. Một số nơi chỉ cho phép những ứng viên có kinh nghiệm chế biến cá trước đó mới có thể tham gia kỳ thi.
Các bài thi thường có hai phần: viết và thực hành. Phần viết sẽ hỏi thí sinh về các quy định vệ sinh thực phẩm, sinh lý cá nóc và độc tính. Trong khi đó, bài kiểm tra thực hành đánh giá kỹ năng của họ trong việc xác định các loài và nội tạng cá nóc cũng như nắm vững các kỹ thuật chế biến, bao gồm cả việc tách những phần ăn được khỏi những phần không ăn được.
Các ngành và hiệp hội đánh bắt cá địa phương từ lâu đã ủng hộ việc thống nhất cấp giấy phép về cá Fugu trên toàn quốc. Họ lập luận rằng điều này sẽ giúp mở rộng đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề có khả năng xử lý chất độc, cuối cùng sẽ thúc đẩy tiêu dùng quốc gia.
Những nỗ lực của họ đã mang lại kết quả khi vào năm 2019, Bộ Y tế kêu gọi từng tỉnh loại bỏ yêu cầu về kinh nghiệm trước đó. Sự thay đổi này đã mở ra cánh cửa cho những người trẻ như Yusuke, khơi dậy hy vọng về tương lai của một ngành đang phải vật lộn với những thách thức từ dân số già.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|