Du lịch đến các tỉnh thành của Nhật mà không biết mua đặc sản địa phương gì? Để KAHA giúp bạn với danh sách 47 omiyage – những món quà lưu niệm đặc trưng cho từng địa phương của xứ Phù Tang.
Vùng Hokkaido
Hokkaido – Shiroi Koibito
Shiroi Koibito – 白い恋人 là một loại bánh quy kiểu Âu. Có hai dòng chính là: Shiroi Koibito White với sô cô la trắng ở giữa và Shiroi Koibito Black với sô cô la sữa ở giữa.
Nổi tiếng với tuyết bột vào mùa đông, nên ngoài phần hộp của bánh có in hình núi Rishiri thì giấy gói của từng miếng bánh sẽ được thiết kế hình những bông tuyết trắng trên nền xanh.
Khi loại bánh này được ra mắt lần đầu tiên, nó chỉ được bán giới hạn dịp mùa đông, điều này khiến Shiroi Koibito trở thành món quà lưu niệm đặc biệt trong dịp lễ. Về sau khi đã được bán suốt cả năm thì Shiroi Koibito có thời điểm đứng thứ hai toàn quốc về doanh số bán đồ lưu niệm sau Akafukumochi (từ tỉnh Mie).
Thậm chí, khi một tạp chí tổ chức cuộc bình chọn “Quà lưu niệm cho thế kỷ 20” thì Shiroi Koibito đã dẫn đầu.
Vùng Tohoku
Akita – Edamame dragée
Đậu nành xanh – Edamame được nhiều người ưa chuộng vì chứa nhiều chất dinh dưỡng, thích hợp với người đang trong chế độ ăn chay. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa đậu nành và sô cô la đã mang đến món ăn vặt mới lạ.
Đậu nành được sử dụng là loại có nguồn gốc từ Akita, nơi nổi tiếng về loại nông sản này. Đậu được sấy lạnh và nhúng trong lớp phủ sô cô la trắng tạo nên món dragée (loại kẹo với lớp vỏ sô cô la mỏng được phủ bên ngoài). Khi bạn cho từng viên vào miệng, kết cấu nhẹ và giòn của sô cô la hòa quyện với hương thơm nhẹ nhàng của đậu nành tạo thành một hương vị tinh tế.
Aomori – Snack táo
Tỉnh Aomori ở phía bắc Tohoku là nơi trồng táo lớn nhất Nhật Bản, vì vậy nếu bạn đã từng đến khu vực này, đừng bỏ lỡ món ăn có hương vị táo.
Các cửa hàng Omiyage sẽ tràn ngập vô số bánh táo, thạch táo, nước ép táo và bánh kẹo táo, nhưng một món nhất định phải thử là Apple Snack – bánh snack được làm bằng táo sản xuất tại địa phương.
Fukushima – Mamador
Cái tên “mamador” được cho là bắt nguồn từ một từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “đứa trẻ uống sữa” vì món ăn này có chứa sữa đặc, mang lại vị ngọt nhẹ nhàng.
Món bánh nướng được yêu thích này có thành phần gồm bột bơ chứa đầy bột đậu azuki ngọt mịn. Với hương vị ngọt ngào và béo ngậy, Mamador rất hợp với đồ uống như cà phê và trà. Mặc dù có lịch sử lâu đời kéo dài hơn 50 năm nhưng hương vị nhẹ nhàng của nó vẫn không thay đổi theo năm tháng, trở thành món ăn tuổi thơ của bao thế hệ.
Iwate – Kamome no Tamago
Tỉnh Iwate nổi tiếng với bờ biển Sanriku – nơi sinh sống của hàng nghìn con hải âu. Nếu bạn có cơ hội đến thăm nơi đây, một món quà lưu niệm bạn cần mang về là Kamome no Tamago, nghĩa đen là “trứng hải âu”.
Phần “lòng đỏ” truyền thống là nhân đậu, bọc bên ngoài là lớp bánh bông lan mỏng và vỏ là sô cô la trắng ngọt ngào. Ngoài ra, những phiên bản biến tấu khác sẽ được thay đổi phần nhân thành táo, hạt dẻ…
Miyagi – Hagi no Tsuki
Tuyệt cảnh ở Miyagi là trăng tròn đẹp như tranh vẽ, đặc biệt vào mùa thu trên vịnh Matsushima. Chính vì thế, một trong những món bánh omiyage nổi tiếng nhất của Tohoku là Hagi no Tsuki – loại bánh xốp tròn và mềm chứa đầy kem sữa trứng, có hình dáng giống như trăng tròn.
Từ Hagi trong tên bánh được cho là lấy cảm hứng từ ánh trăng tròn chiếu sáng trên cánh đồng hoa hồ chi (萩 – hagi) – loài hoa của tỉnh Miyagi, thường nở vào mùa thu.
Yamagata – Sakuranbo Kirara
Tỉnh Yamagata là nơi sản xuất anh đào hàng đầu ở Nhật Bản, vì vậy thứ bạn nhất định phải thử là món thạch anh đào thơm ngon – Yamagata Sakuranbo Kirara.
Món ăn này được làm từ anh đào nguyên quả phủ một lớp thạch siro. Nhờ vậy, nó có sự cân bằng hoàn hảo giữa vị ngọt và chua, càng ngon hơn nếu ướp lạnh trước khi ăn.
Vùng Kanto
Chiba – Monaka đậu phộng
Tỉnh Chiba được biết đến nhiều nhất với món đậu phộng. Mặc dù bạn có thể thưởng thức riêng đậu phộng, hoặc rang muối hay nêm gia vị, nhưng chúng thậm chí còn ngon và thú vị hơn khi được biến tấu, chẳng hạn như món Peanuts Monaka.
Monaka là một loại bánh xốp của Nhật Bản và Peanuts Monaka có nhân thơm ngon là hỗn hợp đậu đỏ với đậu phộng ngọt, được kẹp giữa lớp vỏ bánh xốp hình đậu phộng dễ thương. Ngay cả hộp đựng cũng là hình đậu phộng.
Gunma – Isobe senbei
Isobe Onsen là một thị trấn suối nước nóng yên tĩnh nằm trên sông Usui. Khi tản bộ dọc bờ sông và ngắm nhìn núi Myogi ở phía xa, hãy thử Isobe senbei, loại bánh quy có vị ngọt nhẹ nhàng được làm bằng cách thêm nước suối khoáng và đường vào bột mì. Khi nướng, bánh quy nổi lên một cách tự nhiên từ carbon dioxide trong nước khoáng, tạo ra kết cấu nhẹ, giòn.
Ibaraki – Mito Natto
Mito, tỉnh Ibaraki phát triển mạnh mẽ như một thị trấn lâu đài của Gia tộc Mito, một trong ba gia đình Tokugawa trong thời Edo (1603–1868). Nhưng giờ đây nhắc đến Mito, ai cũng thừa nhận rằng nơi đây nổi tiếng với natto (đậu nành lên men), một loại thực phẩm chủ yếu trong chế độ ăn uống của người Nhật.
Ngoài natto truyền thống, tại đây còn bán natto bọc rơm bên ngoài được nhiều khách du lịch yêu thích bởi nét mộc mạc.
Kanagawa – Akai Kutsu
Akai Kutsu là một sản phẩm nổi tiếng dựa trên một bài đồng dao cùng tên vào những năm 1920, lấy bối cảnh ở Yokohama, tỉnh Kanagawa, viết về một cô gái đi đôi giày đỏ.
Sản phẩm này vừa đáng yêu vừa kỳ quặc vì thực sự là một đôi giày nhỏ màu đỏ dài 5cm được làm từ sô cô la. Sản phẩm cũng đi kèm với lời bài đồng dao bên trong.
Saitama – Gokabo
Gokabo là một loại bánh ngọt Nhật Bản được sản xuất và bán ở Saitama, đặc biệt là thành phố Kumagaya. Đây là một trong ba loại đồ ngọt hàng đầu ở Saitama với sự kết hợp của kinako (bột đậu nành) ngọt với cốm giòn để tạo thành một loại bánh hình ống có vị ngọt nhẹ.
Tochigi – Koisuru Ichigo
Nhắc đến Tochigi thì không thể bỏ qua dâu tây – loại trái cây đặc trưng của nơi đây. Nhưng nếu ghé thăm Tochigi không đúng mùa thì đừng lo lắng, bạn có thể mua Koisuru Ichigo – món tráng miệng với dâu tây Tochigi sấy lạnh phủ sô cô la trắng.
Mỗi quả dâu tây vẫn giữ được hình dạng ban đầu, phủ bên ngoài là sô cô la trắng thơm ngon, vị chua chua, ngọt ngọt của món ăn này có lẽ sẽ khiến bạn ăn không ngừng nghỉ.
Tokyo – Tokyo Banana
Một trong những loại bánh nổi tiếng nhất chắc chắn phải có tên Tokyo Banana, loại bánh bông lan có nhân chuối bên trong. Đây là loại bánh kẹo lưu niệm chính thức của Tokyo, được sản xuất và bán bởi Grapestone Co.
Tokyo Banana có nhiều hương vị khác nhau và thường được đóng gói riêng lẻ, nhưng hương vị nổi tiếng nhất chắc là chuối, được làm từ kem sữa trứng với chuối. Sau khi nướng, bánh được hấp để có kết cấu mềm mại.
Vùng Chubu
Aichi – Uiro
Uiro là món tráng miệng mang tính biểu tượng nhất của Nagoya với hơn 350 năm lịch sử, được làm bằng cách trộn bột nếp, bột mì, đường và nước nóng, đổ vào khuôn và hấp. Nó có nhiều hương vị và màu sắc đẹp mắt: trà xanh, đường nâu, azuki và khoai lang.
Fukui – Habutae Mochi
Habutae mochi là một loại bánh kẹo truyền thống đến từ Fukui – tỉnh nổi tiếng với nghề sản xuất tơ lụa của Nhật Bản. Loại mochi này bao gồm bột bánh gạo hấp được kết hợp với đường và xi-rô thành một khối bột mịn mượt, sau đó cắt thành những tấm mỏng hình chữ nhật trông như dải lụa mềm mại.
Những chiếc bánh gần như trong suốt và ngoài phiên bản màu trắng, chúng có thể được thêm hương vị hoặc bọc quanh bột đậu azuki (đậu đỏ) hoặc trái cây.
Gifu – Ayugashi
Ayugashi là một loại bánh có hình dáng mô phỏng cá ayu – một loài cá nước ngọt được yêu thích trong thời gian từ cuối xuân đến giữa hè. Tại Gifu, bánh Ayugahi của cửa hàng Tamaiya Honpo có tên gọi là Nobori Ayu đặc biệt nổi tiếng.
Món này được làm bằng cách bọc gyuhi (phiên bản mềm hơn của mochi) trong bột bánh castella. Mang hình dáng dễ thương và có vị ngọt thanh, đây là món quà lưu niệm tuyệt vời mà bất kỳ lứa tuổi nào cũng yêu thích.
Ishikawa – Mizu Manju
Mizu Manju (bánh bao nước) là một loại bánh với vỏ từ bột sắn dây và bột warabi, bên trong là nhân đậu đỏ ngọt, sau khi hấp được ướp lạnh bằng nước giếng. Việc tạo ra Mizu Manju được cho là bắt đầu từ thời Minh Trị.
Do nguồn nước ngầm dồi dào ở Ogaki, nơi được mệnh danh là “Thành phố Nước”, nhiều hộ gia đình đã sử dụng nước giếng để làm mát rau và trái cây trong một thiết bị gọi là “idobune” (thuyền giếng) thay thế cho tủ lạnh. Mizu Manju được phát triển như một món ngọt đầy sảng khoái để thưởng thức trong mùa hè.
Nagano – Kuri Daifuku
Daifuku mochi là một loại bánh dày có nhân bên trong là đậu đỏ. Tuy nhiên, hạt dẻ là một đặc sản được trồng nhiều ở Nagano, nên Kuri Daifuku – phiên bản Daifuku có thêm hạt dẻ (kuri) trong nhân, là món quà lưu niệm tuyệt vời cho chuyến đi đến Nagano.
Niigata – Rượu sake
Niigata là xứ sở của rượu sake, từ nguồn nước tự nhiên cho đến loại gạo hảo hạng, tất cả đã tạo nên thứ rượu có hương vị tinh tế bậc nhất. Niigata có vô số xưởng rượu, và Aoki shuzo với gần 300 năm lịch sử là một trong số đó. Loại rượu Kakurei Daiginjo của xưởng có “mùi thơm, hương hoa, đậm đà chút hương lê và táo” là một lựa chọn lý tưởng để làm quà.
Shizuoka – Unagi Pie
Loại bánh này là sự kết hợp giữa chiết xuất từ unagi (lươn) và bánh nướng, cực kỳ nổi tiếng ở Nhật Bản. Vỏ bánh Unagi Pie có nhiều lớp, tạo nên kết cấu giòn và nhẹ, vị không tanh mà ngọt ngào, béo ngậy.
Lươn được coi là thực phẩm tăng cường sức khỏe ở Nhật Bản và món ăn nhẹ này là một cách tuyệt vời để nạp lại năng lượng trong mùa hè dài nóng nực ở Shizuoka. Trong số những nơi bán Unagi Pie, Shunkado là một thương hiệu nổi tiếng.
Toyama – Hotaru Ika Senbei
Vịnh Toyama nổi tiếng với loại mực đom đóm (hotaru ika), vì vậy phiên bản bánh gạo senbei vị mực đom đóm thơm bùi sẽ là món quà lưu niệm rất thích hợp. Ngoài ra, shiro-ebi (tôm trắng) cũng là một đặc sản của tỉnh, và nó cũng được kết hợp trong senbei.
Yamanashi – Fujisan Yokan
Tỉnh Yamanashi nổi tiếng với phong cảnh núi Phú Sĩ – ngọn núi linh thiêng mang tính biểu tượng của xứ Phù Tang. Chính vì thế, Fujisan Yokan – món thạch đậu đỏ ngọt ngào có hình dáng núi Phú Sĩ sẽ là món quà lưu niệm đầy thú vị.
Vùng Kansai
Hyogo – Kobe Purin
Thành phố Kobe của Hyogo có thể được biết đến nhiều nhất với thịt bò, nhưng nếu bạn đang tìm kiếm một sản phẩm dễ mang về nhà thì đó chính là Kobe Purin.
Purin là phiên bản Nhật của bánh pudding. Dù purin có thể được tìm thấy ở các siêu thị trên toàn quốc, nhưng phiên bản của Kobe có hương vị rượu, mùi cam quýt nhẹ, rất phù hợp với khẩu vị của người lớn.
Kyoto – Yatsuhashi
Nói đến omiyage từ Kyoto thì không thể bỏ qua Yatsuhashi – món bánh được làm từ bột nếp, đường và quế. Có ba loại Yatsuhashi: loại nướng (yatsuhashi senbei), loại hấp (nama yatsuhashi) và loại có nhân (aniri-nama-yatsuhashi). Các cửa hàng omiyage ở Kyoto ngày nay bán nhiều loại Yatsuhashi với nhiều hương vị khác nhau và cả những phiên bản theo mùa độc đáo.
Mie – Ise-cha
Thành phố Ise ở tỉnh Mie là vùng sản xuất trà lớn thứ 3 Nhật Bản, chỉ sau Shizuoka và Kagoshima. Khu vực phía Bắc thành phố kéo dài đến chân dãy núi Suzuka nổi tiếng với việc sản xuất Kabuse-cha, có màu xanh đẹp mắt và vị umami đậm đà. Trong khi đó ở phía Nam lại nổi tiếng với Fukamushi-sencha, có hương thơm đậm.
Nara – Shika no Fun
Nara cực kỳ nổi tiếng với những chú hươu shika đi lang thang xung quanh, chờ du khách cho ăn loại bánh quy giòn đặc biệt – shika senbei. Kết quả là, phân hươu có thể được tìm thấy khắp thành phố.
Điều này lại bất ngờ trở thành cảm hứng cho một món omiyage nổi tiếng của Nara: Shika no Fun, nghĩa là… “phân hươu”! Nhưng bạn đừng lo, đây thực chất chỉ là những viên socola ngọt ngào, hoàn toàn không có bất cứ thành phần nào “đáng ngờ”!
Osaka – Omoshiroi Koibito
Không phải là bánh quy kẹp socola trắng Shiroi Koibito trứ danh của Hokkaido, món này có tên là Omoshiroi Koibito. Tên của nó quả thực được nhại lại từ Shiroi Koibito, trong đó chữ “shiroi – màu trắng” biến thành “omoshiroi – thú vị”. Và phiên bản Osaka này cũng đặc biệt thú vị với nhân kem hương nước tương kẹp giữa bánh quy, khiến nó có vị như món mitarashi dango.
Shiga – Itokiri Mochi
Tỉnh Shiga nằm ở rìa phía đông của Hồ Biwa, hồ lớn nhất Nhật Bản, một địa điểm thu hút nhiều du khách ghé thăm. Và khách du lịch đến đây thường mua Itokiri Mochi, một loại wagashi được làm từ gạo giã nhuyễn với nhân đậu đỏ ngọt ngào. Chúng được bán tại các cửa hàng lưu niệm xung quanh đền thờ Taga-taisha nổi tiếng.
Wakayama – Umeboshi
Ume hay mơ là loại quả được yêu thích trên khắp Nhật Bản, trong đó mơ muối Umeboshi được mệnh danh là “siêu thực phẩm”, thường xuất hiện trong bữa ăn của người Nhật. Vị mặn, ngọt quyện cùng độ chua gắt đặc trưng của món ăn sẽ làm tăng thêm sự ngon miệng.
Tỉnh Wakayama là vùng trồng Ume hàng đầu của Nhật Bản, và trong số các loại mơ được sản xuất trong khu vực, mơ Nanko là phổ biến nhất. Những quả mơ này được ngâm và trở thành Umeboshi hoặc cũng có thể được ủ thành rượu mơ (Umeshu).
Vùng Chugoku
Hiroshima – Momiji Manju
Những chiếc bánh ngọt hình lá phong Nhật Bản (momiji) là thức quà biểu tượng của đảo Itsukushima thuộc tỉnh Hiroshima – một trong ba danh lam thắng cảnh của Nhật Bản. Nhân (thường là bột đậu) được bọc trong một loại vỏ bánh kiểu castella, làm từ bột mì, trứng, đường và mật ong, sau đó đặt vào khuôn hình chiếc lá phong và nướng. Món này cũng thường xuyên đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng omiyage toàn quốc và đôi khi chiếm vị trí đầu tiên.
Okayama – Kibidango
Đây là món ăn yêu thích của Momotaro – cậu bé quả đào trong truyện cổ tích cùng tên về vị anh hùng xuất thân từ Okayama. Kibidango được làm bằng cách tạo hình gyuhi, một loại mochi mềm, thành những chiếc bánh tròn dẹt. Bột nếp, bột hạt kê (kibi) và đường là những thành phần cơ bản, nhưng ngày nay nó còn được biến tấu với nhiều hương vị khác nhau như socola, nước tương.
Shimane – Wakakusa
Wakakusa (若草) có nghĩa là “cỏ non”, là tên gọi của loại bánh mochi hình ống phủ bột gạo và đường màu xanh lá. Vào thời Meiji (1868-1912), món bánh này bắt đầu trở nên phổ biến như một loại Wagashi truyền thống của Matsue, thủ phủ tỉnh Shimae.
Mặc dù được bày bán quanh năm nhưng bánh mochi Wakakusa thường được tiêu thụ nhiều vào mùa xuân – thời điểm cỏ non đâm chồi.
Tottori – Suna tamago
Suna tamago (砂卵) có nghĩa là “trứng cát”, là những quả trứng được làm chín nhờ sức nóng của các cồn cát ở Tottori. Để tạo ra suna tamago, người ta vùi trứng gà được bọc trong giấy inshu washi của địa phương rồi vùi xuống cát ẩm của các cồn cát trong khoảng 25 phút, khi này lòng trắng trứng sẽ chuyển nâu, còn lòng đỏ sẽ sánh lại như kem mịn.
Yamaguchi – Tsuki de Hirotta Tamago
Là một trong những omiyage nổi tiếng nhất Yamaguchi, Tsuki de Hirotta Tamago (月でひろった卵) trong tiếng Nhật có nghĩa là “trứng nhặt được trên mặt trăng”.
Những chiếc bánh này là bánh castella với kem sữa trứng ở giữa. Tùy theo mùa mà bạn có thể tìm thấy “trứng mặt trăng” với những hương vị khác nhau như matcha, hạt dẻ, chocolate hay pudding.
Vùng Shikoku
Ehime – Tanuki Monaka
Chiếc bánh xốp tạo hình lửng chó Tanuki đáng yêu này là món ăn đặc trưng của tỉnh Ehime, với phần nhân gồm hỗn hợp hạt dẻ với đậu.
Kagawa – Higashi wasanbon
Wasanbon (和三盆) là loại đường hạt mịn được sản xuất chủ yếu ở vùng Shikoku, đặc biệt là ở tỉnh Tokushima và Kagawa. Hạt đường wasanbon có kích thước nhỏ, hương vị tinh tế với chút hương hoa và caramel. Chính hương vị độc đáo này làm tăng thêm độ hấp dẫn cho các món tráng miệng truyền thống kiểu Nhật ở Kagawa.
Nếu muốn mang chút phong vị của Kagawa về làm quà, không gì tuyệt vời bằng những hộp bánh Higashi nhiều màu sắc rực rỡ được làm từ bột gạo, đường Wasanbon và các hương vị tự nhiên khác như trà xanh, cam quýt, hoa anh đào .
Kochi – Imo Kempi
Imo Kempi là những dải khoai lang tẩm đường, bề ngoài trông giống như khoai tây chiên, nhưng có vị ngọt và cứng. Được làm từ khoai lang nổi tiếng với độ ngọt ở Kochi, Imo Kempi là đặc sản nổi tiếng của địa phương này.
Tokushima – Take Chikuwa
Take Chikuwa là món chả bọc quanh ống tre, được xem là món ăn linh hồn của tỉnh Tokushima. Món này thường được thưởng thức cùng nước tương sudachi hoặc nước cốt chanh sudachi, một đặc sản khác của Tokushima.
Fukuoka – Menbei
Menbei là một loại bánh gạo senbei được làm bằng mentaiko – trứng cá tuyết muối nổi tiếng ở Fukuoka.
Kagoshima – Karukan
Là một loại bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản xuất xứ từ tỉnh Kagoshima, Karugan được làm từ hỗn hợp bột gạo, khoai mỡ nghiền, nước và đường. Karukan thường được tạo hình thành một khối và nhồi nhân đậu đỏ.
Miyazaki – Hyuga no Kaori Yokan
Hyuga no Kaori Yokan là loại thạch được làm từ hyuganatsu, một loại quả họ cam quýt đặc sản của tỉnh Miyazaki. Món tráng miệng này được tạo ra bằng cách sử dụng nước ép, vỏ và cùi của quả hyuganatsu làm thành thạch yokan, sau đó hỗn hợp thạch được đổ lại vào vỏ quả đã được sấy dẻo.
Nagasaki – Castella
Được người Bồ Đào Nha giới thiệu đến thị trấn cảng Nagasaki vào thế kỉ 16, Castella từ đó đã trở thành món bánh biểu tượng của địa phương này.
Oita – Zabieru
Zabieru là loại bánh có lớp vỏ màu nâu nhạt được làm từ lúa mì và trứng, thơm bơ, bao bọc bên ngoài phần nhân đậu trắng kiểu Nhật truyền thống hoặc nhân đậu nho khô ngâm rượu rum. Tên gọi của nó được đặt theo tên Francis Xavier, nhà truyền giáo đầu tiên giới thiệu Kito giáo đến Nhật Bản.
Okinawa – Chinsuko
Chinsuko là loại bánh ngọt truyền thống của Okinawa từ thời vương quốc Lưu Cầu. Nó có hình dạng dài, được làm từ bột mì, mỡ lợn và đường, có hương vị ngọt nhẹ tương tự bánh mì bơ. Bánh Chinsuko có nhiều vị như vani, xoài, chocolate, khoai lang, dừa và dứa…, có thể tìm thấy ở hầu hết các cửa hàng omiyage tại Okinawa.
Saga – Ogi Yokan
Được đặt theo tên thành phố Ogi ở Saga, Ogi Yokan khác biệt ở chỗ nó được bao phủ bởi một lớp đường, tạo nên kết cấu hơi cứng bên ngoài và lớp nhân mềm bên trong. Một trong những điểm bán Ogi Yokan nổi tiếng nhất là “Okamoto tamekichi hompo”, cửa hàng nằm gần Ga Ogi.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|