Chắc hẳn bạn đã quen thuộc với mì ramen của Nhật Bản, vì đây là một món ăn nổi tiếng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Nhật Bản không chỉ có mỗi mì ramen, mà còn có rất nhiều món mì khác. Cùng khám phá xem đó là những món mì nào nhé!
1. Ramen:
Không có bài báo nào viết về các món mì phổ biến ở Nhật Bản mà không đề cập đến ramen.
Ramen bắt đầu trở nên phổ biến vào năm 1910 tại “Rairaiten”, nhà hàng đầu tiên ở Tokyo bán món ăn này cho tầng lớp lao động. Kể từ đó, ramen đã được người Nhật ưa chuộng, đến nỗi mỗi vùng miền ở Nhật Bản đều có loại ramen của riêng mình.
Nếu bạn đến Sapporo ở Hokkaido, hãy nhớ thưởng thức món “miso ramen” với nước dùng từ miso giàu vị umami và được phủ bên trên một lượng lớn thịt lợn xá xíu, giá đỗ, ngô và măng. Bạn cũng đừng quên ghé qua khu vực Hakodate bên cạnh và nếm thử món “shio ramen” nhé. Đây là món mì ramen thanh nhẹ có nước dùng làm từ muối, thịt gà, thịt lợn, hải sản và tảo bẹ.
Nếu bạn chỉ có kế hoạch đến thăm Tokyo. Không sao, hãy nhớ thưởng thức món “shoyu ramen!”. Nước dùng của món mì này được chế biến từ nước tương trông có vẻ đậm đà nhưng lại có vị rất thanh nhẹ. Ngoài ra, bạn cũng đừng quên thưởng thức món “tonkotsu ramen” của tỉnh Fukuoka với nước dùng được chế biến từ thịt lợn, thường được ăn kèm với “aijtama” (trứng onsen) tan chảy ngay trong miệng và thịt xá xíu thơm ngon nhé.
Ngoài 4 hương vị ramen cơ bản trên, bạn cũng có thể thử các món ramen độc đáo khác ở Nhật Bản. Từ ramen matcha đến ramen dứa, bạn không những được thưởng thức những món ăn ngon mà còn có được những trải nghiệm thú vị cùng gia đình và bạn bè.
2. Udon:
Sợi mì Udon không chỉ dày mà còn dai nhờ được nhào nặn và kéo dài nhiều lần trong quá trình sản xuất.
Khu vực phía Đông Nhật Bản thường thưởng thức mì udon với nước dùng màu nâu sẫm được làm từ nước tương đen, trong khi ở miền Tây Nhật Bản, người ta lại ăn mì udon với nước dùng màu nâu nhạt làm từ nước tương nhạt. Các món ăn đi kèm điển hình được cả hai vùng yêu thích là “kamaboko” (chả cá hình nửa vầng trăng), “tempura” (rau và hải sản chiên giòn) và hành lá.
Cũng như ramen, có rất nhiều loại mì udon khác nhau, nhưng một trong những món mì udon nổi tiếng nhất phải kể đến “Sanuki udon” với sợi mì dai đặc trưng của Kagawa – nơi thậm chí còn được gọi là “tỉnh Udon”. Ngoài ra, còn có món mì udon độc đáo khác là “Okinawa soba”. Chắc hẳn bạn đang thắc mắc tại sao tên gọi của nó lại là “soba” phải không. Lý do là bởi vì món mì này được làm từ 100% bột mì trắng giống như mì udon và được phục vụ cùng với nước dùng từ thịt lợn, ăn kèm với rong biển, cá ngừ bào (Katsuobushi) và những miếng sườn dày.
3. Soba:
Những sợi mì kiều mạch này vô cùng thơm ngon. Mì soba chứa nhiều Vitamin B và ít chất béo, nên đây là sự lựa chọn lý tưởng dành cho những ai muốn theo một chế độ ăn uống lành mạnh.
Ngoài ra, soba cũng đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu trong văn hóa Nhật Bản. Người Nhật có truyền thống ăn “toshikoshi soba” vào đêm giao thừa. Sợi mì Soba mềm nên rất dễ cắn đứt. Điều này tượng trưng cho việc cắt đứt những điều không may của năm trước và chuyển tiếp sang năm mới với những điều tốt đẹp hơn.
Không có gì lạ khi bạn gặp những loại mì soba có hương vị riêng, chẳng hạn như “soba vị trà xanh”, “hegi soba” (vị rong biển) và “jinenjo soba” (vị bột khoai mỡ).
Bạn có thể thưởng thức soba theo hai cách nóng và lạnh. Đối với món mì lạnh, phổ biến nhất phải kể đến “wanko soba” ở Iwate. Khi thưởng thức wanko soba, thực khách sẽ được nhận một khay chứa nhiều bát soba nhỏ và thử thách là bạn phải ăn càng nhiều càng tốt. Người ta nói rằng phụ nữ thường có thể ăn khoảng 40 bát, trong khi đàn ông có thể ăn hết 70 bát.
4. Hiyashi Chuka:
Nhật Bản vào mùa hè cực kỳ nóng và ẩm, vì vậy nếu bạn đang muốn đánh bay cái nóng, hãy thử “hiyashi chuka”, một món mì Trung Quốc ướp lạnh ăn kèm với nước sốt miso mè mặn.
Tuy có tên là “mì Trung Quốc” nhưng món ăn này không có nguồn gốc từ Trung Quốc. Một số người tin rằng Hiyashi chuka có nguồn gốc từ một nhà hàng Trung Quốc có tên “Yosuko Saikan” ở Tokyo. Chủ quán tại đây muốn tạo ra một món ramen lạnh mô phỏng hình dáng của núi Phú Sĩ. Tuy nhiên, một số thực khách khác lại cho rằng Hiyashi chuka có nguồn gốc từ một cửa hàng ramen có tên là “Ryu-tei” ở Sendai. Chủ quán ở đây đã sáng tạo ra món ăn này để thu hút khách hàng vì mì ramen nóng thường không bán chạy vào mùa hè.
Bất kể loại mì này có nguồn gốc từ đâu đi chăng nữa thì chắc chắn nó cũng sẽ khiến bạn hài lòng. Món mì này thường ăn kèm với các nguyên liệu nhiều màu sắc như “tamagoyaki” (trứng ốp la thái mỏng), dưa chuột thái mỏng, gừng đỏ, cà chua, gân gà và giăm bông. Bạn có thể nêm mì với nước sốt dấm chua hoặc nước sốt vừng, hoặc thêm sốt mayonnaise, giống như cách người dân vùng Tokai thường thưởng thức.
Hãy lưu ý rằng Hiyashi chuka được biết đến với những cái tên khác nhau ở các vùng khác nhau của Nhật Bản. Ví dụ, ở Hokkaido, món mì này được gọi là “hiyashi ramen”, trong khi ở vùng Kansai, nó được gọi là “reimen”.
5. Somen:
Ngoài Hiyashi chuka, một món mì phổ biến khác tại Nhật Bản vào mùa hè chính là “somen”. Ban đầu đây là một món ăn chỉ dành cho những người giàu có vào những dịp đặc biệt trong thời kỳ Kamakura (1185 – 1333). Tuy nhiên, đến thời Muromachi (1336 – 1573), các ngôi chùa Phật giáo ở Nhật Bản đã bắt đầu phục vụ somen như một bữa ăn nhẹ trong ngày. Món ăn này sau đó dần trở nên phổ biến trong tầng lớp lao động, và cuối cùng đã trở thành một món ăn phổ biến vào mùa hè mà nhiều người Nhật Bản ngày nay thường thưởng thức.
Mì somen thường được phục vụ trong một tô nước lạnh đi kèm với đá. Để duy trì kết cấu mịn của sợi mì, chúng thường được phủ cùng với một lớp dầu mỏng. Để ăn chúng, bạn chỉ cần nhúng mì vào nước sốt làm từ nước tương đi kèm!
Ngoài ra, còn một cách độc đáo khác để thưởng thức mì somen đó là “nagashi somen”. Mì somen sẽ được đặt trong một ống tre dài có nước lạnh chảy qua. Để thưởng thức được món mì này, bạn phải có kỹ năng dùng đũa khéo léo và cần phải gắp mì thật nhanh khi chúng chạy qua ống tre.
Okinawa khác với phần còn lại của Nhật Bản vì somen tại đây được phục vụ nóng. Nếu bạn có cơ hội đến thăm Okinawa, hãy nhớ thưởng thức món “somen champuru” – món mì somen xào với đậu phụ và rau nhé!
6. Yakisoba:
“Yakisoba” là một món mì xào truyền thống của Nhật Bản thường được chế biến cùng với thịt lợn, bắp cải, tỏi tây, gừng, rong biển cùng nước sốt mặn ngọt kết hợp với sốt Worcestershire và dầu hào.
Yakisoba trở nên phổ biến tại Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi đó, bột mì cực kỳ đắt đỏ, vì vậy người ta thường chế biến món mì này bằng cách sử dụng bắp cải. Mặc dù nước tương ban đầu được sử dụng để tạo hương vị cho món ăn, nhưng nước từ bắp cải thường làm loãng hương vị, nên nước tương đã được thay thế bằng nước sốt Worcestershire. Yakisoba thường có giá khá rẻ, vì vậy nó nhanh chóng trở nên phổ biến trong tầng lớp lao động và lan rộng trên khắp Nhật Bản.
Một trong những thời điểm tốt nhất để ăn yakisoba là vào mùa hè tại các lễ hội truyền thống của Nhật Bản. Hãy mặc một bộ yukata và tận hưởng không khí lễ hội vui tươi với những tiếng cười và hương vị thơm ngon của yakisoba được nướng trên “teppanyaki” nhé!
7. Sara Udon:
“Sara udon” là một món ăn đặc sản của Nagasaki. Mặc dù tên gọi là như vậy nhưng thực chất đây không phải là mì udon, mà là mì chiên giòn. Nagasaki là một trong số ít các tỉnh chào đón các thương nhân từ Trung Quốc đến trong thời kỳ bế quan tỏa cảng ở Nhật Bản (1603 – 1868). Món mì xào kiểu Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho người dân địa phương ở đây và họ đã tạo ra phiên bản mới của món ăn này theo phong cách của riêng mình, từ đó món “sara udon” đã ra đời.
Một số nhà hàng sử dụng loại mì mỏng làm từ trứng được chiên giòn. Trong khi đó, một số khác lại sử dụng loại mì có sợi dày hơn của Trung Quốc. Mặc dù sợi mì có thể khác nhau, nhưng điểm chung là chúng đều được chế biến kèm với kamaboko, tôm, thịt lợn, bắp cải và giá đỗ. Được nêm với nước sốt thơm ngon, đây quả là một món ăn bổ dưỡng tuyệt vời.
Hãy thưởng thức tất cả loại mì khi đến Nhật Bản nhé!
Nguồn: Tsunagujapan