Dạo bước trên các con phố đông đúc ở xứ Phù Tang, bạn chắc chắn sẽ bắt gặp những chú linh vật lông xù với đủ loại hình dáng, trông đáng yêu và lại có phần hơi ngốc nghếch nữa. Dù việc sử dụng linh vật như một công cụ để truyền thông không có gì lạ, nhưng tại Nhật Bản, văn hóa “ゆるキャラ – Yuru-kyara” (tên gọi của chúng trong tiếng Nhật) lại đặc biệt đến mức có thể được xem là một “hiện tượng”. Trong tháng 3 này, hãy cùng KAHA khám phá vũ trụ của những linh vật Nhật Bản.
Yuru-kyara là gì?
Yuru-chara (tiếng Nhật: ゆるキャラ – Yuru kyara) là tên gọi chung cho những linh vật toát ra bầu không khí thân thiện và độc đáo. Thuật ngữ này được tạo ra bởi họa sĩ minh họa kiêm nhà phê bình văn hóa đại chúng Jun Miura.
Những người sáng tạo và sử dụng Yuru-chara rất đa dạng, từ chính quyền địa phương, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp cho đến các cá nhân. Nhiều Yuru-kyara phục vụ cho việc quảng bá đặc sản địa phương và các điểm thu hút khách du lịch, nhưng cũng có không ít linh vật được các công ty tạo ra để quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ của mình.
Trong đó, linh vật địa phương (còn được gọi bằng thuật ngữ “gotouchi-kyara – ご当地キャラ”) đại diện cho mỗi tỉnh, thành phố… chính là một trong những nét khác biệt của văn hóa linh vật tại đất nước mặt trời mọc.
Trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, phong trào sử dụng Yuru-chara để lan tỏa sức hấp dẫn của khu vực đã được chính quyền địa phương nước này vận dụng triệt để. Hình tượng đáng yêu, ngốc nghếch của những chú linh vật đã giúp xua đi ấn tượng nghiêm túc, khô cứng về các cơ quan hành chính, từ đó khiến các thông điệp được truyền tải một cách dễ dàng, hiệu quả hơn đến cộng đồng. Bên cạnh đó, các hàng hóa liên quan đến linh vật địa phương cũng trở thành một hiện tượng và có doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh mẽ.
Đặc điểm của một Yuru-kyara
Họa sĩ Jun Miura đưa ra định nghĩa về Yuru-chara sau khi trông thấy Bunkakki, một linh vật được tạo ra để quảng bá cho Lễ hội Văn hóa Quốc gia được tổ chức tại Hiroshima vào năm 2000. Hiện nay, đây cũng là linh vật đại diện cho Thành phố Hiroshima.
Bunkakki có ngoại hình giống một con hàu (đặc sản của Hiroshima) với chiếc lá phong trên đầu, tay và mình của nó tạo nên hình dạng giống ký tự “ひ” (hi) trong Hiroshima, đồng thời cũng giống với một người chỉ huy tại lễ hội. Cái tên Bunkakki bắt nguồn từ chữ “Bunka”, có nghĩa là “văn hóa”, và “Kakki” – phát âm gần giống “Kaki” (con hàu).
Jun Miura tạo ra thuật ngữ Yuru-chara (Yuru-kyara) sau khi rút gọn cụm “ゆるいマスコットキャラクター” (yurui masukotto kyarakutaa), có nghĩa là linh vật “yurui”. “Yurui” (緩い) là một từ khá khó để dịch chính xác, trong tiếng Nhật, nó mang nhiều nét nghĩa như: lỏng lẻo, mềm mại, dễ dãi, lười biếng, chậm rãi, vô lo…
Cũng theo Jun Miura, có ba điều kiện cần thiết để một linh vật được coi là Yuru-chara.
- Được thiết kế với thông điệp mạnh mẽ về tình yêu quê hương;
- Chuyển động của nhân vật phải độc đáo và không ổn định/vụng về;
- Nhân vật phải đơn giản hoặc có sự thoải mái, đáng yêu.
Nhìn chung, Yuru-chara thường có tạo hình kiểu manga và toát ra vẻ kawaii (hoặc đôi khi là kimokawaii – kiểu vừa dễ thương lại vừa gây khó chịu). Chúng được lấy cảm hứng từ vô số thứ trong đời sống (và cả trong tưởng tượng) như động vật, thực vật, thức ăn hay yokai (yêu quái trong văn hóa Nhật Bản). Đồng thời mỗi linh vật cũng được thiết kế các đặc điểm tính cách, sở thích riêng và đôi khi là cả câu chuyện phía sau.
Sự bùng nổ của “cơn sốt” Yuru-chara
Tính đến tháng 10/2020, có khoảng 230 Yuru-chara trên toàn quốc đã được đăng ký với Hiệp hội nhân vật địa phương Nhật Bản (Thành phố Hikone), nhưng trên thực tế, số lượng Yuru-chara được tạo ra gấp nhiều lần con số đó.
Theo kết quả khảo sát do Nihon Keizai Shimbun thực hiện tại 47 tỉnh và 815 thành phố trên cả nước, tổng số linh vật địa phương năm 2011 là 714, nhưng đến năm 2021 là 1.553, tăng gấp đôi chỉ trong vòng một thập kỷ.
Những linh vật này có mặt ở khắp mọi nơi, quảng bá cho các thành phố, thị trấn, đô thị, cơ quan chính phủ và thậm chí cả các công ty. Một vài Yuru-chara đã trở nên nổi tiếng đến mức bạn có thể mua các sản phẩm có hình chúng ở hầu hết mọi nơi trên khắp Nhật Bản.
Làm thế nào Yuru-chara lại phủ sóng nhanh chóng như vậy?
Sự kiện quan trọng đầu tiên mở đường cho làn sóng Yuru-chara là cuộc thi thiết kế linh vật được tổ chức vào năm 1998 bởi Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Nhật Bản NHK, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập. Bấy giờ, linh vật giành chiến thắng là Domo-kun, chú quái vật răng cưa màu nâu.
Sau khi trở thành linh vật chính thức của NHK, Domo-kun nhanh chóng thu hút được người hâm mộ cả ở Nhật Bản và nước ngoài, gia nhập hàng ngũ những nhân vật nổi tiếng như Hello Kitty, Doraemon và Pikachu. Là một trong những “meme” thế hệ đầu trên Internet, không lâu sau, hàng hóa về Domo-kun tràn ngập khắp thị trường phương Tây, thậm chí người ta còn không biết nhân vật này đến từ đâu.
Đến năm 2008, mối quan tâm dành cho Yuru-chara tại Nhật Bản thực sự bùng nổ và nó thậm chí được đề cử là từ của năm. Lúc này, chính quyền địa phương và các tổ chức khác bắt đầu tạo ra nhân vật đại diện của riêng mình để sử dụng cho hoạt động PR, thúc đẩy phát triển khu vực.
Khởi đầu cho “cú nổ lớn” này là một linh vật vô cùng quen thuộc – Hikonyan đến từ thành phố Hikone, tỉnh Shiga. Hikonyan được xây dựng dựa theo câu chuyện về chú mèo chiêu tài (maneki neko) đã cứu sống Naotaka Ii, lãnh chúa thứ hai của miền Hikone, khỏi một cơn giông khi ông đi ngang qua chùa Gotoku-ji. Trên đầu chú mèo trắng cũng đội một chiếc mũ kabuto đỏ, là biểu tượng của Quân đoàn Ii thời Chiến quốc.
Sau khi được tạo ra vào năm 2007 để kỷ niệm 400 năm thành lập Bảo vật quốc gia Lâu đài Hikone, chú mèo đã tạo ra sự gia tăng đáng kể về doanh thu du lịch lẫn hàng hóa cho lâu đài và thành phố quê hương.
Cũng từ đây, số lượng Yuru-chara bắt đầu tăng lên trên khắp cả nước. Các lễ hội và sự kiện dành riêng cho những linh vật này, chẳng hạn như Yuru-chara Matsuri (ゆるキャラまつり) đã được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau kể từ năm 2008. Một số linh vật cũng đã xuất hiện trong các hội nghị quốc tế, chẳng hạn như Funassyi và Kumamon trong Hội chợ triển lãm Nhật Bản 2014 ở Paris, Pháp, và một nhóm nhỏ tại Japan Matsuri 2014 ở London.
Sự yêu thích bùng nổ dành cho linh vật đã tạo tiền đề cho cuộc thi Yuru-chara Grand Prix được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2010, nơi công chúng có thể bình chọn cho linh vật yêu thích của mình. Hikonyan “ẵm” giải nhất trong năm đầu tiên, trong khi chú gấu đen Kumamon giành lấy vương miện trong năm kế tiếp.
Mặc dù Yuru-chara Grand Prix đã ngừng tổ chức kể từ năm 2020, nhưng mức độ phổ biến và tầm ảnh hưởng vượt trội của những Yuru-chara là không thể phủ nhận, một số linh vật này còn sở hữu đến hàng nghìn người theo dõi trên tài khoản mạng xã hội.
Sức hút đến từ sự “thoải mái”
Thông thường, các linh vật trông đơn giản và không được trau chuốt tỉ mỉ, thậm chí còn có thể khá thô kệch. Tuy nhiên, chính vẻ ngoài thoải mái và có phần “lười biếng”, vụng về của chúng lại thu hút mọi người, đặc biệt khi biết rằng một số Yuru-chara được thiết kế bởi những người không chuyên hoặc bởi các quan chức địa phương.
Các linh vật này cũng mang một cảm giác ấm áp nhất định, điều đó rất phù hợp với xu hướng chung là tìm kiếm sự ấm cúng và thư giãn.
Đôi khi cũng có những khó khăn trong việc biến thiết kế 2D thành một bộ trang phục mascot kích thước thật một cách hoàn hảo. Sự bất hoàn hảo này, trái lại, càng khiến chúng trở nên “yurui” hơn, và thể hiện sự tương phản thú vị với các thiết kế nhân vật tỉ mỉ thường thấy trong hoạt hình hoặc trò chơi điện tử.
Giải mã việc người Nhật “say đắm” linh vật
Linh vật, Mascot hay Yuru-chara đều là từ chỉ chung cho một vật nào đó mang tính biểu tượng và gắn với những hoạt động đa phần là quảng bá. Vậy điều đầu tiên mà bạn nghĩ đến khi nhìn thấy những linh vật này là gì? Đó có phải là sự dễ thương – Kawaii?
Sự thật là, ai lại không thích những thứ dễ thương? Mặc dù chúng thường hấp dẫn hơn đối với trẻ em, nhưng vì văn hóa dễ thương đã ăn sâu vào nền văn hóa Nhật Bản nên điều đó giải thích tại sao người lớn cũng không ngại sở hữu một món đồ “Kawaii”.
Niềm đam mê đó còn lan rộng đến các linh vật của Nhật Bản, không chỉ một mà rất nhiều nhân vật dễ thương là động vật, thực vật hoặc mang hình dạng giống con người… đang đại diện cho các tổ chức, đóng vai trò là biểu tượng quảng cáo trong các sự kiện.
Trên thực tế, mọi tỉnh ở Nhật Bản đều có linh vật chính thức. Có khoảng 3.500 linh vật khu vực được ghi nhận trên toàn quốc với mục đích được là tạo ra là mang đến bầu không khí vui vẻ.
Một số linh vật nổi tiếng không chỉ ở Nhật Bản mà còn được đông đảo mọi người biết tới có thể kể đến như Kumamon từ tỉnh Kumamoto, một con gấu đen với đôi má đỏ và đôi mắt to; Funassyi đến từ Funabashi, tỉnh Chiba – “nàng tiên lê” màu vàng tượng trưng cho loại trái cây phổ biến được trồng trong vùng; Gunma-chan đến từ tỉnh Gunma, một chú ngựa con màu nâu đội mũ màu xanh lá cây…
Thậm chí, trong những thời điểm xảy ra xung đột chính trị hay thiên tai gay gắt, sự hiện diện thân thiện của linh vật được hoan nghênh như biểu tượng của hòa bình.
Mục đích chính của các nhân vật linh vật Nhật Bản là thu hút càng nhiều sự chú ý càng tốt, vì nhiều nơi đang bị quên lãng hay ngó lơ, cần có một thứ gì đó đủ “mạnh” khiến mọi người quan tâm – và đó là linh vật. Một số linh vật đấu tranh cho năng lượng bền vững và giảm thuế. Thậm chí còn có một linh vật được sinh ra với sứ mệnh là dành cả đời để “chiêu dụ” bạn ăn món Yakitori (gà xiên nướng).
Linh vật gắn với tính cá nhân và văn hóa dân gian
Một số người có thể cho rằng sự ngưỡng mộ không ngừng đối với các linh vật và văn hóa dễ thương là hoàn toàn trẻ con, nhưng có lẽ đối với nhiều người Nhật, nó đại diện cho hình ảnh phản chiếu của họ trong một vũ trụ tự do khác.
Nhiều người suy đoán rằng do Nhật Bản là một quốc gia không quá thoải mái khi nói đến những cái bắt tay và ôm, nhưng những linh vật này mang lại cảm giác thân thuộc, dễ mở lòng, như điều mà người Nhật có thể tìm thấy ở thú cưng. Cả trẻ em và người lớn đều có thể duỗi tay và cảm nhận vòng tay ấm áp của một nhân vật hoạt hình trong hình dáng khổng lồ.
Một lý do khác có thể là bởi mối quan hệ chặt chẽ của người Nhật với động vật và văn hóa dân gian. Lịch sử gắn liền với thiên nhiên, với những câu chuyện về Yokai nên hình dáng bên ngoài của linh vật có kì lạ đến đâu thì người Nhật vẫn có thể dễ dàng tận hưởng, thậm chí là yêu thích. Người Nhật thậm chí còn có niềm tin rằng ngay cả những món đồ vật cũng đều có linh hồn giống như con người – Tsukumogami, nên việc một loài vật nào đó có câu chuyện, hành động, cử chỉ, thậm chí đi đứng bằng hai chân như một con người bình thường thì cũng là điều hiển nhiên.
Vì họ rất tôn trọng động vật và văn hóa dân gian, trong đó có cuộc diễu hành Yokai, nên việc các linh vật lấy cảm hứng từ chúng là điều đương nhiên, và do đó cũng được yêu mến theo cách tương tự.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|