Từ thân và rễ rau củ bị bỏ đi khi nấu nướng, bạn có thể tạo ra một “vườn rau tái sinh” không cần đến đất, vừa giúp tiết kiệm, giảm lãng phí, lại khiến cho căn bếp nhà mình thêm xinh.
Rau tái sinh là gì?
Rau tái sinh là loại rau được trồng thủy canh bằng các bộ phận không dùng để nấu ăn như thân và rễ, với các phần ăn được (chủ yếu là lá) sẽ mọc lại từ đó. Trong tiếng Nhật nó được gọi là “リボベジ – ribobeji”, rút gọn từ “reborn vegetables”, và đang thu hút sự chú ý vì là phương pháp trồng rau thân thiện với môi trường, giúp giảm lãng phí thực phẩm.
Ưu điểm của rau tái sinh
Theo số liệu của Bộ Môi trường Nhật Bản, khoảng 28% rác thải sinh hoạt là rác nhà bếp, như rác nấu ăn và thức ăn thừa. Phương pháp trồng rau tái sinh sẽ giúp làm giảm lượng rác thải thực vật và có thể coi là một hoạt động thân thiện với môi trường, đồng thời góp phần tiết kiệm chi tiêu gia đình.
Ngoài ra, việc trồng thủy canh cũng vô cùng đơn giản. Không cần phải có vườn hay ban công, đất hay hạt giống, cũng không cần bón phân và chăm sóc đặc biệt, tất cả những gì bạn cần chỉ là nước và vật đựng để chứa những loại rau mà bạn muốn tái sinh.
Những chậu thủy canh này cũng có thể trở thành vật trang trí đầy phong cách, mang đến mảng xanh cho ngôi nhà.
Những loại rau củ dễ tái sinh
Có rất nhiều loại rau củ có thể trồng bằng nước từ thân, rễ. Tuy nhiên khi mới bắt đầu, dưới đây là những loại có xác suất thành công cao mà bạn nên thử.
- Hành lá
- Hành boa rô
- Củ cải
- Cải xanh
- Cải chíp
- Rau chân vịt
- Bắp cải
- Cải cúc
- Mầm đậu
Lưu ý trước khi bắt đầu
1. Đặt cây trong không gian sáng sủa.
Cũng giống như các loại cây khác, bạn nên để chậu rau tái sinh ở nơi sáng sủa nhưng tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, vì điều này sẽ làm tăng nhiệt độ nước và khiến cây dễ bị thối.
2. Thay nước mỗi ngày.
Nếu không thay nước, nấm mốc và vi khuẩn có thể dễ dàng phát triển. Ngoài ra, hộp đựng dễ bị bám nhớt, vì vậy hãy cẩn thận rửa chúng thường xuyên và quản lý một cách hợp vệ sinh.
3. Thời gian thu hoạch của rau tái sinh từ 1-4 tuần tùy loại.
4. Thu hoạch ngay khi lá đã trưởng thành. Nếu để quá lâu, rau có thể bị héo úa ngay cả khi cung cấp đủ nước.
5. Giới hạn số lần thu hoạch từ 1 đến 2 lần.
6. Nên nấu chín, tránh ăn rau sống vì chúng không được quản lý theo tiêu chuẩn vệ sinh như rau trong siêu thị.
Hướng dẫn trồng rau tái sinh
Các bước thực hiện
Bước 1: Chuẩn bị chậu
Bạn có thể tận dụng chai lọ thủy tinh, vỏ chai nhựa, hộp đựng… có kích thước phù hợp với loại rau muốn trồng. Vệ sinh sạch trước khi sử dụng.
Bước 2: Chuẩn bị bọt biển (bước tùy chọn)
Bạn có thể sử dụng miếng bọt biển để điều chỉnh lượng nước tiếp xúc với rau, giúp mặt cắt ngang của thân hoặc đầu rễ không ngập trong nước mà vẫn đủ độ ẩm, hạn chế bị úng.
Bước 3: Cắt thân và rễ của rau
Nên giữ lại thân và rễ của rau hơi dài để chúng dễ tái sinh hơn. Nếu bạn để lại khoảng 2-3cm thân và 3-5cm rễ thì chất dinh dưỡng sẽ được tích tụ nhiều và giúp cây dễ phát triển.
Bước 4: Đặt thân/rễ vào chậu và thêm nước
Lưu ý không để ngập hoàn toàn trong nước. Nếu dùng bọt biển, thêm lượng nước cao bằng nửa miếng bọt biển.
Bước 5: Chăm sóc và thu hoạch
Tham khảo những lưu ý ở phần trên về vị trí trồng, cách thay nước và thu hoạch. Khi thu hoạch, bạn dùng kéo cắt lấy phần lá ăn được sau khi lá đã trưởng thành.
Hướng dẫn chi tiết một số loại rau củ cơ bản
Hành lá, hành boa rô
Bạn nên chừa lại phần rễ và cắt cách gốc khoảng 5cm, nhưng nếu muốn thu hoạch nhanh thì có thể chừa lại khoảng 10cm – khi đó phần lá sẽ phát triển nhanh hơn. Lượng nước cho vào vừa đủ ngập phần rễ.
Cà rốt, củ cải
Cắt cách gốc 1cm. Đặt vào một chiếc bát nông và chỉ thêm một chút nước như hình. Lá cà rốt/củ cải sẽ mọc ra từ gốc và phần lá này có thể ăn được.
Cải xanh, cải chíp, rau chân vịt
Cắt cách gốc 4cm, thêm vào một lượng nhỏ nước. Những chồi mới sẽ mọc ra từ phần đầu bị cắt và bạn có thể thu hoạch 5 đến 6 lá trên mỗi cây trong một tháng.
Mầm đậu
Cắt cách gốc khoảng 2-3cm, ngâm phần rễ trong nước.
Thật đơn giản và dễ thực hiện phải không? Lần tới khi vào bếp, bạn hãy giữ lại các phần rau củ thừa và thử phương pháp thủy canh này nhé!
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|