VÌ SAO NGƯỜI NHẬT NÓI MOSHI MOSHI KHI NGHE ĐIỆN THOẠI

Nếu người Việt nói “Alo” khi nghe điện thoại, người Nhật lại sử dụng “Moshi moshi”. Nó có ý nghĩa gì và vì sao từ “Moshi” được lặp lại hai lần? Có rất nhiều lý giải mang màu sắc huyền bí xung quanh nguồn gốc của cụm từ này.

Nguồn gốc của Moshi moshi

Từ “もし – Moshi” thực chất bắt nguồn từ chữ “申し – Moushi”. Vào thời Edo, thay vì sử dụng động từ “言う – Iu – Nói”, người Nhật sử dụng thể khiêm nhường của nó là “申す – Mousu”, dạng lịch sự của Mousu  “申します– Moushimasu” và dạng khiêm nhường nhất “申し上げます – Moushiagemasu” để nói về hành động của mình hoặc người thuộc nhóm mình, nhằm bày tỏ sự khiêm tốn, nhún nhường với người có địa vị cao hơn.

Sau đó, chúng được rút ngắn thành “申し – Moushi” nhưng không mang nghĩa “nói” mà lại được dùng để thu hút sự chú ý của người khác, tương tự như “Này” trong tiếng Việt, rồi tiếp tục được rút gọn thành “もしもし – Moshi moshi” và sử dụng khi trả lời điện thoại. “Moshi moshi” chủ yếu được dùng trong các cuộc gọi từ bạn bè, gia đình và tuyệt đối không sử dụng trong môi trường công sở bởi sẽ bị coi là bất lịch sự.

denwa no hi
“Moshi moshi” phổ biến vào năm 1902 khi được nhân viên tại Tổng đài điện thoại Tokyo – Yokohama sử dụng. 

Ngoài để nghe điện thoại, “Moshi moshi” còn được dùng với nhiều mục đích khác. Theo cuốn “20世紀B級ニュース – 20 sekai B kyu nyusu – Bản tin hạng B thế kỷ 20”, vào năm 1923, từ này từng được cảnh sát Nhật Bản sử dụng nhưng đã dần rơi vào lãng quên. Thời bấy giờ, cảnh sát khi muốn gọi ai đó hoặc ngăn chặn bọn tội phạm thường dùng cụm từ “おいおい – Oioi”, “こらこら – Korakora” hay “おいこら – Oikora” và bị dân chúng phàn nàn vì kém lịch sự. Vì vậy, vào ngày 06/03/1923, quy định sử dụng “Moshi moshi” thay thế cho các từ trên được cảnh sát Tokyo ban hành.

Vì sao “Moshi” được nói 2 lần?

Có nhiều lời giải thích vể việc lặp lại của từ “Moshi” và dưới đây là ba giả thuyết mà KAHA tổng hợp được.

Hồ ly không thể phát âm từ “Moshi moshi”

Trong văn hoá dân gian Nhật Bản, Kitsune (cáo, hồ ly) có khả năng hóa thân thành con người và sử dụng năng lực này để hãm hại người khác. Theo Lafcadio Hearn – nhà nghiên cứu về văn học dân gian Nhật Bản, cáo không thể phát âm toàn bộ một từ mà chỉ nói được những âm rời rạc. Nếu một người đàn ông hoặc một cô gái xinh đẹp đến gõ cửa nhà bạn và nói chuyện bằng cách phát âm từng từ một, chẳng hạn như thay vì nói Nishida-san thì nói thành “Nish… Sa…”, hoặc “Uchi desuka? lại nói là “Uchi… de…?” thì đó có thể là do một con Kitsune giả dạng, dùng đuôi của chúng để gõ cửa nhà và gieo rắc điều chẳng lành. Vì Kitsune không thể phát âm nhanh và đầy đủ cả cụm từ “Moshi moshi” như con người nên để tránh việc bị loài cáo này dụ dỗ và hãm hại, người Nhật đã nói “Moshi” hai lần khi nghe điện thoại.

kitsune no yomeiri
Tranh “Đám cưới của loài cáo” (Kitsune no Yomeiri) của hoạ sĩ Ogata Gekko.

Yokai (yêu quái) không thể nói “Moshi moshi”

Trong chương trình đố vui “理由ある太郎 – Riyuu aru Tarou” được phát sóng hằng tuần vào Thứ Sáu từ 23h00 đến 23h30 trên Đài truyền hình Fuji Television Network (từ ngày 18/04/2008 đến ngày 19/08/2008), lý do vì sao người Nhật phải nói 2 lần từ “Moshi” khi nghe điện thoại được tiết lộ theo hướng tương tự như lý giải ở trên.

yokai khong the noi moshi moshi
Yokai không thể nói Moshi moshi do đó mà người Nhật mới nói hai lần từ Moshi

Theo truyền thuyết dân gian Nhật Bản, việc nói “Moshi moshi” là cách để chứng minh bản thân không phải là một Yokai. Nếu Yokai gọi một người bằng từ “Moshi” và người này đáp lời, chúng sẽ cướp đi linh hồn của họ. Điều này cũng tương tự như khi nghe điện thoại, để khẳng định mình không phải là một Yokai khát máu, hãy đáp lại lời người khác bằng hai từ “Moshi moshi” thật rõ ràng.

Được phổ biến bởi một kỹ sư điện tín

Vào ngày 16/12/1890, điện thoại lần đầu tiên xuất hiện tại Nhật Bản. Vào thời điểm đó, chỉ những người giàu có mới đủ khả năng mua điện thoại và họ thường dùng để nói chuyện với người có địa vị thấp hơn. Vì vậy, từ để chào trên điện thoại thường là “おいおい – Oioi”, còn người nhận điện thoại phản hồi lại bằng “はい、良うございます – Hai, you gozaimasu” hoặc “はい, 良うござんす – Hai, yougozansu”, đều có nghĩa là “Vâng, tôi đã sẵn sàng (để nói chuyện)”.

Từ “おいおい – Oioi” cũng được những người trực tổng đài sử dụng nhưng rõ ràng vì sự thiếu lịch sự mà nó đã được thay đổi thành “申し上げます – Moushiagemasu”. Sau cùng, từ này được rút ngắn thành “申す申す – Mousu mousu” dành cho nam và “申し申し – Moushi moushi” dành cho nữ, nhưng “Oioi” vẫn được một số nhân viên nam sử dụng ít lâu sau.

shigenori katougi
Shigenori Katougi và câu chuyện về sự ra đời của Moshi moshi được viết trên tờ Fukushima Minpo

Năm 1893 là năm đánh dấu cụm từ “Moshi moshi” trở nên phổ biến. Trước đó, vào năm 1889, Shigenori Katougi (加藤木重教), một kỹ sư điện tín của Bộ Công nghiệp Nhật Bản làm việc tại nhà máy điện Tanaka Seisakusho, đã đến Mỹ để học về hệ thống điện thoại. Trong chuyến đi, ông Katougi biết được cách người Mỹ trả lời điện thoại bằng từ “Hello”. Khi được hỏi rằng người Nhật chào trên điện thoại như thế nào, ông đã phân vân mãi vì có quá nhiều từ như “Oioi”, “Moushiagemasu”, “Mousu mousu” hoặc “Moushi moushi” và phải tốn không ít thời gian để giải thích rõ ràng. Vì vậy, Katougi đã nói với họ rằng “Moshi moshi” có nghĩa tương tự như “Hello”.

Khi trở lại Nhật Bản, ông đã nảy ra ý tưởng tạo một từ mang tính biểu tượng khi nghe điện thoại như câu “Hello” của người Mỹ. Sau đó, vào năm 1893, Katoushi đã rút gọn từ “Moushi moushi” và “Mousu mousu” mà nữ và nam trực tổng đài đang dùng thành “Moshi moshi”, “Mosu mosu”. Về sau, số lượng nhân viên tổng đài nam ít hơn rất nhiều so với nữ nên “Mosu mosu” dần biến mất. Vào khoảng năm 1902, cả nam giới và phụ nữ Nhật Bản đều thống nhất sử dụng từ “Moshi moshi” khi nghe điện thoại.

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP TÁC QUỐC TẾ KAHA

✓ Địa chỉ: Số 5.34 Khu đô thị Khai Sơn, Phường Thượng Thanh, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội

✓ Hotline: 0977 629 439

✓ Website: https://www.facebook.com/duhockaha

✓ Facebook:https://www.facebook.com/duhockaha

close-link
0977.629.439