Nổi tiếng là một đất nước tâm linh, xứ anh đào không thiếu những đồ vật đóng vai trò “bùa hộ mệnh”, giúp loại bỏ năng lượng xấu và thu hút điều tốt lành. Bên cạnh chú mèo vẫy tay Maneki Neko hay lá bùa Omamori đã quá quen thuộc, người Nhật vẫn còn vô vàn những biểu tượng may mắn thú vị khác.
Vật may mắn trong văn hóa Nhật Bản được gọi chung bằng thuật ngữ “Engimono – 縁起物”, nghĩa là những đồ vật có “engi” tốt.
Lịch sử của Engimono Nhật Bản rất lâu đời, từ xa xưa, người Nhật đã tin rằng một số đồ vật nhất định có thể mang lại cho họ may mắn, chẳng hạn như mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt, hay bình an cho gia đình.
Cho đến ngày nay, vẫn còn nhiều biểu tượng may mắn được người Nhật sử dụng rộng rãi để thu hút vận may hoặc để tặng cho một ai đó như lời cầu chúc về những điều tốt đẹp sẽ đến. Dưới đây là top những biểu tượng may mắn tiêu biểu nhất.
1. Mèo chiêu tài Maneki Neko
Chú mèo Maneki Neko (hay còn gọi là mèo chiêu tài, mèo thần tài) thường được trưng ở lối vào nhà hàng, cửa hiệu, công ty và được xem là vật may mắn tiêu biểu của Nhật Bản. Nếu Maneki Neko giơ tay phải lên, đó có nghĩa là tài lộc sẽ đến, còn nếu chú giơ tay trái lên, có nghĩa là nhân duyên, quý nhân sẽ đến.
Ngày nay, ngoài màu trắng mang ý nghĩa “phúc”, người ta còn tạo ra nhiều con mèo chiêu tài có màu khác nhau dựa trên phong thủy như màu xanh dương tượng trưng cho sự an toàn, màu đen là trừ tà, màu hồng là tình duyên.
Nếu trưng 2 con cùng lúc, bạn nhớ hướng tay vẫy của chúng ra ngoài. Ngoài ra bạn sẽ gặp được nhiều điềm lành hơn nếu cánh tay Maneki Neko của bạn vẩy cao qua đôi tai.
2. Bùa may mắn Omamori
Đối với một đất nước có nhiều vị thần như Nhật Bản, bạn sẽ kiếm được vô vàn các loại bùa hộ mệnh khác nhau từ hình dáng cho đến ý nghĩa. Bắt gặp nhiều nhất là loại Omamori làm bằng vải có thêu hình hoa cúc, bên trong chứa mảnh giấy hoặc miếng gỗ đã viết lời cầu nguyện.
Người Nhật thường tặng Omamori cho bạn bè, người thân khi họ sắp sinh nở hay chuẩn bị thi cử. Sau khi giữ bên mình đúng 1 năm, thường thì người Nhật sẽ trả lại Omamori cho Thần điện/chùa nơi mà họ đã mua để đem đốt.
3. Quẻ bói Omikuji
Omikuji là quẻ bói vận may có ở các đền chùa tại Nhật Bản. Chúng là những mảnh giấy đưa ra tiên đoán các vấn đề về sức khỏe, vận may, tình duyên., hay dự báo liệu ước nguyện của người rút quẻ có thể trở thành hiện thực hay không.
Nếu rút phải quẻ xấu, người Nhật có phong tục gấp dải giấy lại và buộc nó lên cây thông hoặc hàng rào bằng kim loại ngay trong khuôn viên đền chùa nhằm hóa giải vận xấu.
Còn nếu là quẻ tốt, sẽ có hai lựa chọn: bạn cũng có thể buộc quẻ bói và để lại đền thờ như trên (nhằm cầu xin sinh lực của cái cây trong đền, chùa giúp bạn biến điều ước thành hiện thực); hoặc mang Omikuji về nhà để giữ lấy may mắn bên mình.
4. Tấm thẻ gỗ Ema
Trong truyền thuyết dân gian Nhật Bản, ngựa được coi là phương tiện di chuyển của các vị thần. Người ta thường tặng ngựa cho đền thờ để các vị thần dễ dàng nghe thấy lời khấn nguyện của họ hơn.
Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ điều kiện tài chính để dâng lễ một con ngựa, do đó tấm thẻ gỗ Ema (ghép từ chữ “絵 – Họa – Tranh” và “馬 – Mã – Ngựa”) được ra đời. Mặt trước của Ema thường vẽ hình một chú ngựa, còn mặt sau là nơi để viết điều ước gửi đến thần linh.
Ngày nay Ema có thể được tìm thấy với đủ hình dạng và kích cỡ ở hầu hết các đền thờ Nhật Bản. Bên cạnh hình vẽ ngựa theo truyền thống, bạn cũng có thể tìm thấy cả hình vẽ nhân vật hoạt hình yêu thích của mình, hay thậm chí có những tấm gỗ được để trống cả hai mặt cho bạn thỏa sức sáng tạo.
5. Mũi tên trừ tà Hamaya
Bắt nguồn từ một tích cũ, Hamaya được xem là mũi tên có thể xua đuổi điều xấu và đem lại những điều tốt lành. Đây là một Engimono không thể thiếu vào dịp năm mới, được bày bán tại các Thần điện kèm với Omikuji – quẻ xăm cho cả năm, và đôi khi còn gắn thêm thẻ gỗ may mắn Ema.
Ngoài ra, trong lễ tân gia, người Nhật còn đặt Hamaya và cung tên Hamayumi tại góc nhà theo hướng Đông Bắc và Tây Nam – những hướng dễ bị ma quỷ quấy nhiễu – nhằm thanh tẩy ngôi nhà.
6. Cờ cá chép Koinobori và cá Koi
Koinobori là cờ cá chép Nhật Bản, theo truyền thống được treo tại các gia đình vào ngày 5 tháng 5 – tết thiếu nhi của người Nhật. Cá chép Nhật Bản (cá Koi) được xem là biểu tượng tốt lành gắn liền với sự may mắn, thịnh vượng, trường thọ và thành công trong cuộc sống.
Lịch sử của Koinobori bắt nguồn từ thời Edo (1603 – 1868), khi những người thuộc tầng lớp Samurai bắt đầu treo những hình cá chép bên ngoài nhà của họ.
Koinobori tượng trưng cho hy vọng về sự phát triển khỏe mạnh của trẻ em và phản ánh mong muốn của cha mẹ rằng con cái họ sẽ dũng cảm, mạnh mẽ vượt qua khó khăn trong cuộc sống như những con cá chép khổng lồ bay trong gió.
7. 1.000 con hạc giấy Senbazuru
Senbazuru là chuỗi gồm 1.000 con hạc giấy – thường chia làm 25 dây, mỗi dây có 40 con hạc. Giống như trong câu chuyện truyền thống về Sadako Sasaki và một ngàn con hạc giấy của cô bé, người ta tin rằng việc xếp đủ 1.000 con hạc sẽ mang lại cho chủ nhân một điều ước, chẳng hạn như được chữa khỏi bệnh tật.
Hạc là một sinh vật mang lại điềm lành trong văn hóa dân gian Nhật Bản (bên cạnh rồng và rùa), tương truyền hạc sống được 1.000 năm, điều này giải thích số lượng hạc giấy cần phải gấp.
8. Búp bê Daruma
Được phiên âm từ chữ Dharma, Daruma là một con búp bê làm từ giấy bồi không có tay chân, khuôn mặt có vẽ râu ria và do trọng tâm nằm ở dưới đế nên không bao giờ bị ngã. Nó là biểu tượng may mắn đại diện cho ước mơ và nghị lực “7 lần ngã 8 lần đứng dậy”.
Khi bạn ấp ủ điều gì, có thể là kì vọng đậu đại học hay chỉ đơn giản là cầu mong một năm an lành cho cả gia đình, hãy thật thành tâm cầu ước và dùng bút đen tô vào con mắt bên trái của búp bê Daruma.
Sau đó, hãy đặt nó tại nơi dễ thấy trong nhà để nhắc nhở về ước vọng của mình. Khi điều mong ước thành hiện thực, hãy tô nốt con mắt còn lại.
9. Thất Phúc Thần Shichifukujin
Bảy vị thần mang lại may mắn cho người Nhật với vẻ ngoài rất ngộ nghĩnh, thường xuất hiện trên một con thuyền chứa đầy kho báu – Takarabune.
7 vị thần mang 7 ý nghĩa khác nhau như thần Hotei mang lại thịnh vượng và sức khỏe; thần Juroujin mang lại sự trường thọ; thần Benzaiten là nữ thần tri thức, vẻ đẹp nghệ thuật.
Trong đó được yêu mến nhất là thần Ebisu – vị thần duy nhất đến từ Nhật Bản, bảo hộ cho dân chài và nhà buôn trên biển, thường được vẽ với tay cầm một con cá tráp lớn.
Ở một số địa phương, từ ngày 1 – 15/1, bạn sẽ nhận được một chiếc chuông có khắc hình 7 vị thần cùng với Shikishi – tấm giấy có in tên 7 vị thần và bạn phải đi đến 7 nơi chỉ định để nhận đủ 7 con dấu lên tên Thất Phúc Thần.
10. Đồng 5 yên Nhật
Đồng 5 yên của Nhật – “五円” phát âm là Go-en, đồng âm với chữ “御縁”, có nghĩa là vận mệnh, cơ hội, sự kết nối và các mối quan hệ. Trong đó, “御 – Go” là tiền tố kính ngữ thể hiện sự kính trọng.
Cũng chính vì thế, 5 yên được xem là một biểu tượng may mắn tại đất nước mặt trời mọc. Người Nhật tin rằng giữ đồng xu này bên cạnh sẽ giúp họ kết nối với những gì vũ trụ đã tạo ra cho mình, chẳng hạn một người bạn tâm giao, một công việc mơ ước.
Đồng 5 yên cũng thường được dâng tại các đền thờ Thần đạo với mục đích thiết lập mối liên hệ tốt đẹp với vị thần của ngôi đền. Nó cũng được dùng để lì xì vào dịp năm mới, đựng trong những chiếc phong bì trang trí “Otoshidama”.
11. Món ăn mừng năm mới Osechi Ryori
Osechi Ryori là một bữa ăn truyền thống của người Nhật vào ngày đầu năm mới. Thức ăn được đặt trong chiếc hộp sơn mài đặc biệt gọi là Jubako, thường gồm 4 khay, mỗi khay chứa các món mang ý nghĩa cầu chúc khác nhau.
Osechi có nguồn gốc từ thời Heian (794-1185), bấy giờ người Nhật thường dâng thức ăn lên thần linh vào những ngày đánh dấu sự chuyển mùa theo âm lịch, và quan trọng nhất trong số đó chính là ngày đầu tiên của một năm. Vào ngày này, những món ăn đặc biệt được dâng lên các vị thần và cũng được các quý tộc triều đình thưởng thức.
Qua nhiều thế kỷ, phong tục này đã lan rộng ra toàn xã hội và đến thời Edo (1603-1868) thì trở thành một thực hành phổ biến trên khắp Nhật Bản.
12. “Cây nêu” ngày Tết Kado Matsu
Thường được đặt ở trước cửa nhà vào dịp Năm mới, Kado Matsu gồm một vài cành thông và 3 ống tre tươi vát chéo có độ dài không bằng nhau: ống cao nhất tượng trưng cho nam, ống thấp nhất tượng trưng cho nữ và ống còn lại tượng trưng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người.
Thông được xem là loài thực vật tượng trưng cho sự thanh khiết và sức sống mãnh liệt, còn tre là loài cây “vạn niên”, tượng trưng cho sự trường thọ.
Các nhánh trên cành thông và số lượng ống tre đều phải là số lẻ vì người Nhật quan niệm hạnh phúc không thể bị chia rẽ mà sẽ kéo dài mãi mãi. Đầu tre được vát chéo vì khi đó sẽ để lộ ra một khúc của đốt tre bên dưới, trông như hình mặt cười, và lẽ dĩ nhiên, nụ cười sẽ đem phúc lộc đến nhà.
Nếu cắm thêm cành hoa mơ – Ume, Kado Matsu sẽ được gọi là Shochikubai – Tùng Trúc Mai – dành riêng cho những dịp mang tính chúc tụng.
13. Kẹo chocolate Kit-Kat
Kit Kat đến Nhật Bản vào đầu những năm 70. Loại sô cô la này rất được ưa chuộng tại đất nước mặt trời mọc vì nhiều lý do, một trong số đó là vì cách đọc chữ Kit-Kat trong tiếng Nhật (kitto katto) khá giống với “きっと勝 – kitto katsu”, mang nghĩa “nhất định thắng lợi”.
KitKat đặc biệt phổ biến với học sinh Nhật Bản vào khoảng thời gian thi cử, và nhiều người Nhật vẫn gắn những thanh sô cô la này với biểu tượng của may mắn.
14. Tay gấu cào may mắn Kumade
Được ghép từ chữ “Kuma” (con gấu) và “Te” (bàn tay), Kumade có nghĩa là “bàn tay gấu”. Đây vốn là chiếc cào tre được người Nhật sử dụng trong nghề nông từ thời xa xưa.
Trong thời kỳ Edo (1600-1867), người ta bắt đầu gắn lên Kumade những vật trang trí may mắn như mặt nạ của thần may mắn – Okame, mô hình đồng tiền vàng – Koban, Thất phúc thần hay chiếc tàu chở kho báu – Takarabune.
Với ý nghĩa “cào” những may mắn, tài lộc về cho gia chủ, Kumade thường được trưng ở những nơi trang trọng và dễ nhìn thấy như bàn thờ – Kamidana hoặc ngoài sảnh đón khách – Genkan.
Người Nhật cho rằng nếu mỗi năm bạn mua Kumade lớn hơn Kumade của năm trước, may mắn sẽ đến với bạn nhiều hơn nữa.
15. Quạt giấy Sensu
Bạn có biết, chiếc quạt xếp thông dụng mà mọi người trên thế giới đều yêu thích chính là do người Nhật làm ra?
Ra đời vào khoảng 1300 năm trước, khi đó chiếc quạt xếp Sensu được làm từ những mảnh gỗ của cây bách ghép lại với nhau, nên được gọi là “Hyougi”, tức cây bách. Về sau người Nhật sử dụng giấy Washi truyền thống và dán lên khung tre, tạo thành Sensu như bây giờ.
Với ý nghĩa “thổi” những điều tốt lành đến khắp nơi, Sensu trở thành Engimono mang ý nghĩa chúc tụng, thường được dùng làm quà tặng trong các dịp như cưới hỏi.
Sensu có rất nhiều loại và hoa văn, có loại còn tỏa ra mùi hương khi quạt. Người Nhật còn sử dụng Sensu khi biểu diễn kịch Noh, Kabuki; dùng làm vật trang trí trong nhà và đặc biệt tạo nên phong thái cao sang, quý phái cho người cầm nó.
16. Cỏ bốn lá
Tương tự như ở nhiều nước trên thế giới, “四つ葉のクロバー – Yotsuba no kurobaa” haycỏ bốn lá được cho là biểu tượng của may mắn ở Nhật Bản. Mỗi chiếc lá của nó mang một ý nghĩa riêng, đại diện cho “hy vọng”, “niềm tin”, “tình yêu” và “may mắn”.
Người ta tin rằng nếu ai tìm được chiếc cỏ 4 lá rất hiếm này, người đó sẽ gặp được rất nhiều vận may trong cuộc sống.
17. Tượng chồn Tanuki
Chồn Tanuki (lửng chó Tanuki) là một loại động vật hoang dã có nguồn gốc từ Nhật Bản và một số nước Đông Á, trong tiếng Anh được gọi là “racoon”. Ở Nhật Bản, Tanuki là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng, thành công và giàu có.
Nếu đã từng du lịch đến Nhật Bản, chắc hẳn bạn đã từng nhìn thấy tượng Tanuki bằng gốm được đặt ở lối vào các cửa hiệu, nhà hàng hay Ryokan.
Những bức tượng ngộ nghĩnh này là sản phẩm đặc trưng của “Shigaraki-yaki”, một trong sáu dòng gốm lâu đời nhất ở Nhật Bản, được sản xuất tại tỉnh Shiga.
18. Búp bê Fukusuke
Fukusuke (福助) là búp bê truyền thống gắn liền với may mắn ở Nhật Bản, có hình dáng một người đàn ông đang quỳ theo phong cách seiza, với cái đầu to và búi tóc trên đỉnh đầu.
Búp bê mặc kataginu (かたぎぬ), một loại áo khoác có phần vai rộng, thường được mặc bởi các samurai hoặc quan chức triều đình.
Ban đầu Fukusuke là một con búp bê Nhật Bản được đặt trong các quán trà hoặc nhà thổ vào thời Edo để mang lại may mắn. Vào thời đó, người ta cho rằng Fukusuke sẽ mang lại “sự trẻ trung dài lâu, phú quý và danh dự”.
Ngày nay, Fukusuke thường được nhìn thấy trong các cơ sở kinh doanh với ý nghĩa thu hút tiền tài và khách hàng. Chúng thường được làm bằng sứ Trung Hoa hoặc một số vật liệu thủ công khác.
19. Tượng bò đỏ Akabeko
Akabeko là một món đồ chơi nghệ thuật dân gian có lịch sử 400 năm, được làm bằng giấy bồi, có hình dáng một chú bò đỏ với cái đầu lắc lư. Đầu và cổ của chú bò được treo bằng một sợi dây và vừa khít với phần thân rỗng. Khi di chuyển chú bò, phần đầu của nó sẽ lắc lư lên xuống, trái phải rất vui mắt.
Không chỉ là một món đồ chơi hay vật trang trí, Akabeko còn là một Engimono mang lại may mắn và sức khỏe, ngăn ngừa bệnh đậu mùa và nhiều loại bệnh tật khác.
20. Chú chó Inu Hariko
Đúng như tên gọi được ghép từ “Inu” (con chó) và “Hariko” (giấy bồi), Inu Hariko là chú chó làm từ giấy bồi.
Loài khuyển được người Nhật xem là loài vật có thể xua đuổi ma quỷ, đồng thời cũng là biểu tượng của sự mắn đẻ và sinh đẻ dễ dàng. Do đó, Inu Hariko thường được sử dụng như một vật đem lại may mắn cho phụ nữ mang bầu và trẻ em.
Nếu Inu Hariko đội chiếc giỏ bằng tre trên đầu, chú sẽ mang ý nghĩa cầu chúc cho bạn sinh ra một em bé vui vẻ (trong tiếng Nhật, khi chữ “Tre” đặt trên chữ “Khuyển” sẽ tạo thành chữ “Tiếu”, tức “cười”).
Còn nếu Inuhariko đeo chiếc trống lục lạc Denden Taiko trên mình, chú sẽ mang ý nghĩa cầu chúc đứa bé lớn lên trở thành chính nhân quân tử (Denden taiko là một chiếc lục lạc hai mặt như nhau, không phân biệt trước sau).
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|