Sử dụng thành thạo các dụng cụ, vặn vòi nước, thắp nến. là một vài hành động của loài quạ ở Nhật khiến chúng ta phải thay đổi suy nghĩ về trí thông minh của chúng.
Japan Forward đã trích lại lời nói của Nhà điểu học Hiroyoshi Higuchi – Giáo sư danh dự tại Đại học Tokyo và Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Keio về quạ, loài chim quen thuộc trong đời sống của con người như sau:
– Có loài chim nào thông minh hơn quạ không?
– Tôi nghĩ là không có.
– Chúng có phải “loài linh trưởng”* trong thế giới loài chim?
– Vĩ đại hơn thế.
*Loài linh trưởng được xem là động vật có độ tinh anh (trí tuệ) cao hàng đầu.
Điều này có lẽ sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người vì hiếm ai nghĩ rằng quạ là một loài thông minh, nhưng giống loài của chúng tại Nhật đã cho chúng ta một cái nhìn khác.
Nhiều người nước ngoài đến sống tại Nhật chia sẻ rằng điều họ ngạc nhiên nhất ở Tokyo đó là rất nhiều quạ và quạ ở đây rất “thân thiện”, ít sợ con người.
Quạ Nhật Bản – loài vật đại diện cho thần linh
Từ thời cổ đại, quạ đã được mô tả ở nhiều nơi trên thế giới như sứ giả của các vị thần hoặc biểu tượng mang đến tri thức. Ở Nhật Bản cũng vậy, “Yatagarasu – 八咫烏” (quạ ba chân) đại diện cho ý nguyện của thần linh và được thờ phượng tại một số địa danh Thần đạo, như tại ba ngôi đền Kumano Sanzan dọc theo tuyến đường hành hương Kumano Kodo ở Wakayama.
Hay chúng cũng được ghi chép lại trong Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ) rằng Yatagarasu đã dẫn đường cho hoàng đế Jinmu đến được vùng đất Yamato.
Nhiều đền thờ Thần đạo trên khắp Nhật Bản tổ chức lễ hội Obisha Matsuri vào dịp Tết âm lịch truyền thống. Trong lễ hội này, mọi người sẽ cầu nguyện và bắn cung tên vào một tấm bia có tâm là biểu tượng của Karasu nhằm cầu mong sự an toàn và sức khỏe cho gia đình. Điều này cho thấy, loài quạ đã tồn tại qua nhiều thế kỷ trong văn hóa Nhật Bản.
Đủ thông minh để trở nên nguy hiểm
Dù người Nhật thường gọi Karasu là “những con chim bên cạnh chúng ta” nhưng loài quạ này đôi khi cũng gây ra không ít rắc rối. Một số thiệt hại được ghi nhận như sau:
- Chuồng trại chăn nuôi: Tấn công gia súc, mổ vú bò sữa (gây viêm vú), truyền bệnh.
- Đường sắt: Để lại mảnh vỡ trên đường ray, xây tổ trên dây xích.
- Các tòa nhà:Làm hỏng hệ thống ống dẫn ngoài trời và cách nhiệt trên các dàn lạnh điều hòa trên tầng thượng.
- Cánh đồng: Gây thiệt hại mùa màng.
- Điện lực: Gây ra sự cố trạm biến áp và đường dây điện, làm tổ trên tháp truyền tải, làm hư hỏng chất cách điện và vỏ bọc cáp, thải phân, ô nhiễm tiếng ồn.
- Khu dân cư: Tấn công người đi bộ, phân chim, ô nhiễm tiếng ồn.
- Công ty chuyển phát hàng: Làm hỏng hộp các tông trong nhà kho do phân.
- Sở thú: Ăn trộm thức ăn gia súc, hại thú non, xây tổ “bất hợp pháp”.
- Sân golf: Lấy trộm bóng ở sân.
- Tấm năng lượng mặt trời: Làm rơi các mảnh vỡ và làm hỏng các tấm pin mặt trời.
- Trường học: Tấn công học sinh (đặc biệt là khi xây tổ và nuôi con non).
Cuộc chiến giữa quạ và người không bao giờ kết thúc vì nguồn thức ăn chính của quạ là rác sinh hoạt. Để phòng chống quạ tha rác, người ta dùng lưới rác gọi là “Gomi netto – ゴミネット”.Dường như không có hồi kết cho những “tệ nạn” được gán cho Karasu, loài quạ của Nhật Bản, nơi hình ảnh của chúng trong tâm trí người dân tệ hơn nhiều so với bất kỳ loài chim hoang dã nào khác.
Trí thông minh vượt bậc
Tất cả những khía cạnh này của quạ đã khiến chúng có biệt danh là “loài linh trưởng có lông vũ”. Chính xác là vì rất thông minh nên chúng có thể cư xử theo những cách mà chúng ta chưa từng nghĩ tới.Trong cuốn sách được xuất bản gần đây “Nyusuna Karasu Kansatsufuntoki”, giáo sư Higuchi đã mô tả lại những hành động bất ngờ của quạ. Có “quạ xe hơi” phá vỡ vỏ quả óc chó bằng lốp ô tô, “quạ đặt đá” đặt đá trên đường ray xe lửa, “quạ nhà tắm công cộng” thường xuyên đến những phòng xông hơi, “quạ xà phòng” ghé thăm các phòng tắm và “quạ lửa” trộm nến đang cháy từ các đền thờ.
Quạ mở vòi nước
Bất ngờ lớn nhất liên quan đến việc quan sát “quạ vòi nước” trong một công viên ở Yokohama từ tháng 3 – tháng 4/2018.
Giáo sư Higuchi nhận thấy rằng những con quạ cái sẽ dùng mỏ để mở các vòi phun nước có núm vặn xoay, và sau đó uống nước. Khi quạ muốn tắm, chúng vặn vòi thêm để tăng lượng nước. Một người dân địa phương tiết lộ rằng những con quạ đã làm việc này từ năm 2017.
Quạ và hạt óc chó
Ở các thành phố như Akita và Sendai, quạ phá vỏ quả óc chó cứng bằng cách thả hạt lên ô tô để hạt vỡ ra rồi ăn phần lõi. Thậm chí, những con quạ có “tay nghề cao” ở Sendai còn đặt quả óc chó trước lốp xe ô tô đang dừng chờ đèn đỏ, chờ những chiếc xe cán qua để chắc chắn rằng vỏ hạt sẽ bị nứt.
Người ta phát hiện thấy quạ sử dụng ô tô để tách hạt từ năm 1975. Có tổng cộng 17 địa điểm được báo cáo đã quan sát thấy hành vi này của quạ. Tất cả các địa điểm này đều có ba điểm chung: gần cây óc chó, giao lộ hoặc khu vực xe ô tô phải dừng hoặc di chuyển chậm, và lưu lượng xe cộ vừa phải.
Sử dụng lửa
Những con quạ rừng xuất hiện tại đền thờ Fushimi Inari ở Kyoto rất thích những ngọn nến. Quạ dùng mỏ lấy những ngọn nến, rồi bay lên trời với ngọn lửa vẫn còn le lói.Sau đó, chúng giấu những ngọn nến trong đống lá rụng trong rừng, hoặc trong những khoảng trống trên mái nhà tranh. Điều này rất nguy hiểm vì dễ gây ra hỏa hoạn.
Tương tác với con người
Từ xa xưa, loài quạ đã biết rằng chúng sẽ không bao giờ phải tìm kiếm thức ăn hoặc chỗ ở nếu sống gần con người. Ngay cả khi lối sống của chúng ta đã được thay đổi, chúng vẫn có thể thích nghi và bắt kịp nhịp độ.
Năng suất lao động của con người càng cao, chúng ta càng tạo ra nhiều thặng dư, kéo theo nguồn thức ăn, vật liệu cho loài quạ làm nơi trú ngụ cùng số lượng của cá thể quạ cũng ngày càng tăng lên.
Lý do cho sự thông minh của loài quạ
Sự tương đồng với con người
Theo Nippon, so với các loài chim khác, Karasu có bộ não rất phát triển. Tỷ lệ khối lượng não trên khối lượng cơ thể của chúng là 1,4%, lớn hơn mười lần so với tỷ lệ 0,12% của gà. Điều này khiến chúng gần gũi với con người hơn rất nhiều (1,8%) so với các họ hàng gia cầm của chúng.
John Marzluff, một nhà điểu học tại Đại học Washington, đã dành 40 năm để nghiên cứu về loài quạ. Ông đã nghiên cứu kích thước và chức năng đặc biệt của não quạ, tuổi thọ kéo dài của chúng (lên đến 30 năm) và lối sống xã hội. Sự kết hợp của những yếu tố này tạo ra một số điểm tương đồng bất ngờ với con người.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science vào mùa thu năm 2020, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng quạ thể hiện một mức độ ý thức chỉ có ở con người và một số ít loài động vật có vú khác thuộc bộ linh trưởng. Cụ thể, có dấu hiệu của ý thức tri giác và quạ có khả năng lưu giữ thông tin hoặc ký ức mới ở đại não trong thời gian dài, sử dụng chúng để suy luận, định hướng trong các tình huống mới sau này.
Rác khiến quạ trở nên thông minh hơn?
Theo giáo sư Higuchi, rác có thể là nguyên nhân khiến những con quạ ngày càng tiến hóa so với tổ tiên của chúng. Ông phân tích, ở các khu vực thành thị nước ngoài, người ta thường sử dụng các thùng rác lớn, nhưng ở Nhật Bản, người ta có xu hướng cho rác vào túi rồi đổ ra đường, một phần vì đường phố ở Nhật Bản khá hẹp.
Trong thời kỳ phát triển nhanh chóng của Nhật Bản, số lượng và loại rác hữu cơ tăng lên ở các thành phố trên khắp đất nước, và những con quạ đã biết được khi nào, ở đâu, những loại thực phẩm nào sẽ có sẵn. Việc thích ứng với những sự lựa chọn đa dạng như thế được cho là khiến loài quạ trở nên thông minh hơn.
Vào thời kỳ phát triển của Nhật Bản cho đến đầu những năm 70, ước tính có khoảng 37.000 Karasu sống ở Tokyo, tập trung quanh đống rác trộn lẫn với đống thức ăn thừa vứt ở những con hẻm phía sau các quận trung tâm thành phố.
Vấn đề về quạ lên đến đỉnh điểm vào khoảng đầu thế kỷ này, và nhiều biện pháp đối phó đã được đưa ra, bao gồm dời thời gian thu gom rác sang nửa đêm trước khi Karasu hoạt động hay mỗi người phải có trách nhiệm phân rác thành các loại khác nhau.
Những biện pháp này đã tỏ ra hiệu quả, và ngày nay số lượng quạ sống ở các quận nội thành, trung tâm thành phố đã giảm xuống còn 1/3 so với trước đây. Số lời phàn nàn của công chúng chỉ bằng 1/10 so với trước kia, và mối quan hệ giữa loài người với quạ đã được cải thiện phần nào.
Có thể thấy, dù thông minh hay phá phách thì quạ vẫn là một biểu tượng được nhiều người Nhật ưa thích, có thể kể đến: biểu tượng của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản là hình ảnh chú quạ ba chân; hay quạ cũng là một hình ảnh được nhắc đến trong nhiều manga và anime nổi tiếng như Haikyuu, Naruto, Kimetsu no Yaiba.
Những loài chim nào thông minh nhất thế giới ?
Không có gì bất ngờ hơn khi cái tên đứng đầu trong bảng xếp hạng loài chim thông minh nhất thế giới: Quạ. Nhưng đứng đằng sau cái tên nổi trội ấy là: Vẹt Kea; Cockatoos; Vẹt Macaw; Vẹt Xám Châu Phi; Nutcrackers; Giẻ cùi lam,.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|