Là một loại pháo hoa cầm tay truyền thống có từ thời Edo, Senko Hanabi được xem là một trong những nét thi vị gợi nhắc đến của mùa hè Nhật Bản. Dù về sau ngày càng có nhiều loại pháo hoa hiện đại hơn xuất hiện, với những chùm lửa rực rỡ hơn cả, nhưng Senko Hanabi vẫn là thứ không thể thiếu ở những buổi đốt pháo hoa trong sân vườn, được người Nhật để dành làm thứ để đốt sau cùng. Khi chơi, cần chúc ngược que pháo hoa xuống, mồi lửa vào đầu pháo và ngắm nhìn vẻ đẹp của đốm lửa trong sự tĩnh lặng như lời tạm biệt man mác buồn dành cho mùa hè.
Senko Hanabi – “nàng thơ” của mùa hè Nhật Bản
Senko Hanabi (線香花火) xuất hiện từ thời Kanbun (1661 – 1673), ban đầu là loại pháo hoa cầm tay dành cho trẻ em. Trong tiếng Nhật, từ “senko – 線香” có nghĩa là cây nhang (hương), còn từ “hanabi – 花火” có nghĩa là pháo hoa. Tên gọi của loại pháo hoa này xuất phát từ sự tương đồng về hình dáng với cây hương, cũng như việc chúc ngược que pháo xuống để mồi lửa cũng tựa như đang thắp hương lên bàn thờ Phật thời bấy giờ.
Pháo hoa Senko Hanabi ở vùng Kansai có nhiều điểm khác với vùng Kanto. Tại vùng Kansai, phần tay cầm của pháo hoa gọi là “Subote – スボ手”, được làm từ dải tre hoặc rơm. Còn tại vùng Kanto, phần tay cầm được gọi là “Nagate – 長手”, được làm từ giấy Washi, bởi nghề trồng lúa không phổ biến tại đây nên rất khó kiếm ra rơm để làm pháo hoa.
Để chơi Senko Hanabi, người Nhật sẽ chúc ngược que pháo hoa xuống, mồi lửa và ngắm nhìn ngọn lửa nhỏ xíu như chú đom đóm chạy ngược về phía tay cầm rồi dần dần lụi tàn. Bởi Senko Hanabi rất mỏng manh, khi cháy rất dễ bị rụng tàn và tắt lịm nên ai có tài giữ vững tay để cho que pháo cháy sáng lâu nhất sẽ là người thắng cuộc.
Đối với người Nhật, Senko Hanabi được xem là “nàng thơ” gợi nhắc đến những ngày hè thời thơ ấu, khi những người lớn ngồi ở hàng hiên, ngắm nhìn lũ trẻ quây quần đốt pháo hoa cầm tay trong vườn nhà, sau đó kết thúc buổi đêm bằng một đĩa dưa hấu mát lạnh, hoặc tắt đèn để ngắm đom đóm dập dìu.
Senko Hanabi từng biến mất và đã được hồi sinh trở lại
Thời xưa, việc sản xuất pháo hoa lan rộng trên khắp nước Nhật, đặc biệt là 3 tỉnh: Fukuoka, Aichi và Nagano. Ngay cả vào thời Meiji (1868 – 1912), khi pháo hoa phương Tây du nhập vào Nhật Bản thì Senko Hanabi vẫn rất được ưa chuộng, bởi giá thành rẻ, đơn giản và tiện lợi.
Tuy nhiên, từ những năm 1970, Senko Hanabi giá rẻ từ Trung Quốc dần thâm nhập vào thị trường pháo hoa Nhật Bản. Đến những năm 1980, do sự chênh lệch giá cả giữa pháo hoa nội địa và hàng Trung Quốc giá rẻ mà nhiều xưởng pháo hoa Nhật Bản đã phải đóng cửa và dần dần biến mất. Năm 1998, khi xưởng sản xuất pháo hoa Senko Hanabi nội địa cuối cùng tại tỉnh Fukuoka ngừng kinh doanh thì pháo hoa Senko Hanabi nội địa hoàn toàn mất khỏi thị trường pháo hoa Nhật Bản.
Chứng kiến sự lụi tàn của Senko Hanabi, vào năm 1998, ông Tsunehiro Yamagata – người kế thừa đời thứ 5 của cửa hàng tạp hóa Yamagata Shoten tại quận Taito, Tokyo thành lập từ năm 1914, đã bắt tay vào việc khôi phục pháo hoa Senko Hanabi nội địa từ con số 0. Ông Yamagata đã hợp tác với ông chủ của công ty cổ phần Sanshuukakou chuyên sản xuất pháo hoa tại thành phố Okazaki, tỉnh Aichi.
Dựa trên bí quyết làm pháo gia truyền do gia đình vợ của ông chủ công ty Sanshuukakou để lại, năm 2000, pháo hoa Senko Hanabi nội địa mang tên “Oedo Botan” (大江戸牡丹) đã chính thức ra mắt thị trường và tạo được tiếng vang trên cả mong đợi, từ đó đặt dấu mốc cho sự trở lại của pháo hoa Senko Hanabi truyền thống Nhật Bản. Tên của loại pháo hoa này được đặt theo tuyến tàu điện Oedo được đưa vào vận hành cùng năm và loài hoa đẹp nhất thời Edo – hoa mẫu đơn (Botan). Oedo Botan được phát triển thành dòng sản phẩm pháo hoa Senko Hanabi cao cấp để làm quà tặng và có giá cao hơn các loại pháo hoa Senko Hanabi ngoại nhập.
Cùng khát vọng khôi phục lại Senko Hanabi truyền thống, thợ thủ công làm pháo hoa Ryota Tsutsui cũng đã thành lập xưởng sản xuất tại thị trấn Takata, thành phố Miyama, tỉnh Fukuoka mang tên “Tsutsui Tokimasa” (筒井時正). Ông đã sáng tạo ra pháo hoa Senko Hanabi mang tên xưởng với trọng lượng thuốc súng sử dụng chỉ 0,08 gram để đảm bảo an toàn nhất cho người chơi. Phần tay cầm cũng được gấp thành bông hoa rất đẹp mắt. Ông là đời thứ 3 kế thừa gia nghiệp sản xuất pháo hoa dành cho trẻ em của gia đình mình. Trước đó, nhà máy của gia đình được thành lập vào năm 1945 tại thành phố Yame, tỉnh Fukuoka, nhưng đã đóng cửa vào năm 1999.
Nhân sinh quan trong Senko Hanabi
Từ một đóm lửa nhỏ xíu, nổ tí tách đến khi lụi tàn, quá trình này của pháo hoa Senko Hanabi được ví như vòng đời của một con người, cũng có khởi đầu, kế thừa, chuyển giao và kết thúc, gọi là “Kishoutenketsu” (起承転結 – Khởi Thừa Chuyển Kết). Dựa vào hình dạng của tia lửa, mỗi giai đoạn cháy sáng của Senko Hanabi có thể được hình dung theo tên các loài hoa và cây cối sau đây.
Giai đoạn 1: KHỞI (起) – HOA MẪU ĐƠN
Ngay sau khi người chơi chúc ngược que pháo xuống và đánh lửa mồi pháo thì một quả cầu tròn, đầy đặn giống như một đóa hoa mẫu đơn sẽ xuất hiện. Đây chính là sự khởi đầu của sự sống, của một sinh mệnh.
Giai đoạn 2: THỪA (承) – LÁ THÔNG
Đóa hoa mẫu đơn lửa sẽ cháy và tạo ra âm thanh tanh tách, cùng với những tia lửa lớn phân nhánh nhỏ li ti như lá thông rồi bùng lên cháy dữ dội và mạnh mẽ. Giai đoạn này được ví như thời tuổi trẻ đầy sức sống của mỗi đời người.
Giai đoạn 3: CHUYỂN (転) – CÂY LIỄU
Âm thanh tanh tách nhỏ dần, các tia lửa cũng tạo thành các tia dài hơn và mềm mại hơn, trông như hình ảnh cây liễu rủ lá. Đây được ví như giai đoạn trưởng thành, khi con người trở nên chín chắn và điềm đạm hơn.
Giai đoạn 4: KẾT (結) – HOA CÚC RƠI
Trước khi chính thức tàn lụi, những tia pháo nhỏ cuối cùng lặng lẽ bung xòe, tựa như những cánh hoa cúc rơi chầm chậm. Đây là kết thúc của một đời người.
Điều đặc biệt chính là người chơi có thể thưởng thức vẻ đẹp khác nhau của từng cây pháo hoa được người thợ thủ công dày công tỉ mỉ để làm ra. Chẳng hạn như, một số cây pháo hoa Senko Hanabi sẽ có thời gian cháy rất lâu ở giai đoạn “Hoa mẫu đơn”, một số khác lại bùng cháy dữ dội và làm cho quả cầu lửa cháy hết ở giai đoạn “Lá thông”, và cũng một số khác vẫn kiên trì tồn tại đến giai đoạn “Hoa cúc rơi” cuối cùng.
Cảm thức thẩm mỹ “Mono no Aware” trong Senko Hanabi
Từ “Aware” trong “Mono no Aware” vốn được ghép từ “a” (あ) và “hare” (はれ) – âm thanh con người phát ra khi tâm tình gặp xúc động mạnh. Vì vậy, cụm từ này có thể được dịch là “nỗi u hoài của sự vật”, khi chứng kiến những gì đẹp đẽ đều tan biến trước mắt mà ta không cách nào giữ lại được. Pháo hoa Senko Hanabi luôn được người Nhật chọn là thứ đốt cuối cùng trong một bịch pháo hoa có nhiều loại pháo khác nhau.
Khi tất cả những tia lửa rực rỡ của các loại pháo khác đã kết thúc, đó chính là lúc mọi người xích lại gần nhau để thi xem ai đốt Senko Hanabi được lâu hơn. Và cũng bởi tính chất rất dễ tắt, ai cũng phải giữ cho tay mình thật vững, lòng thật yên để cây pháo có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách trọn vẹn. Và khi đốm lửa cuối cùng chợt tắt, khoảng sân nơi hiên nhà vụt tối và thinh lặng như tờ, tựa như cảm giác tiếc nuối bởi một đêm hè vui vẻ, say sưa đã kết thúc. Cảm giác luyến tiếc ấy chính là ví dụ điển hình của “Mono no Aware”.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|