NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BA LOẠI TIỀN GIẤY MỚI CỦA NHẬT BẢN

Thiết kế tiền mới của Nhật Bản ra đời nhằm tăng cường bảo mật với các tính năng bảo mật tiên tiến nhất. Ba tờ tiền mới cũng sẽ tôn vinh ba nhân vật lịch sử quan trọng thuộc các lĩnh vực kinh tế, giáo dục và y khoa của đất nước mặt trời mọc. 

Lưu hành tiền mới từ tháng 7/2024

Tiền giấy mới của Nhật Bản, bao gồm các mệnh giá 10.000 yên, 5.000 yên và 1.000 yên sẽ chính thức được lưu hành từ ngày 03/07/2024. Đây là đợt thiết kế lại tiền giấy đầu tiên của quốc gia này sau 20 năm.

Kể từ khi những tờ tiền đầu tiên được Ngân hàng Nhật Bản phát hành vào năm 1885, đã có 53 loại tiền khác nhau được phát hành.

mau-tien-giay-moi
Ba mẫu tiền giấy mới sẽ được lưu hành từ ngày 03/07/2024

Vì sao Nhật Bản phát hành tiền giấy mới?

Kể từ năm 1984, Nhật Bản đã áp dụng chu kỳ khoảng 20 năm cho việc thay đổi tiền giấy mới. Một trong những lý do chính là để tích hợp các tính năng bảo mật mới nhất, bởi những tiến bộ về công nghệ đồng nghĩa với việc các phương thức làm tiền giả liên tục xuất hiện và ngày càng tinh vi.

Toshihiro Nagahama, chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cũng gợi ý một động cơ khác: khuyến khích người dân mang tiền mặt họ đang cất giữ ra khỏi nhà.

Lượng tiền mặt cá nhân nắm giữ tại Nhật Bản vượt quá 100 nghìn tỷ yên (khoảng 636 tỷ USD). Có một xu hướng đáng chú ý, đặc biệt ở người cao tuổi, là giữ tiền mặt tại nhà. Vì số tiền này vẫn chưa được sử dụng nên việc chuyển hướng nó sang tiêu dùng hoặc đầu tư có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Ông Nagahama lưu ý thêm rằng chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu tăng giao dịch không dùng tiền mặt lên 80%. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng thiếu hụt lao động, cũng như giảm chi phí lắp đặt, vận hành máy ATM.

atm-nhat-ban
Người Nhật vẫn chuộng sử dụng tiền mặt trong giao dịch

 

Diện mạo ba tờ tiền mới của Nhật Bản

Tờ 10.000 yên

Có hình Eiichi Shibusawa, nhân vật chủ chốt trong quá trình hiện đại hóa kinh tế Nhật Bản. Ông đã tham gia thành lập khoảng 500 công ty trong suốt cuộc đời và được mệnh danh là “người tiên phong của xã hội Nhật Bản hiện đại”. Mặt sau tờ 10.000 yên có hình Tòa nhà Marunouchi của Ga Tokyo.

10
Tờ 10.000 yên mới

Tờ 5.000 yên

Mặt trước in hình nhà giáo dục Umeko Tsuda, người tiên phong trong giáo dục phụ nữ và cống hiến cả đời để cải thiện vị thế của phụ nữ. Mặt sau tiền có hình hoa tử đằng – loài hoa nổi tiếng vào mùa xuân.

5
Tờ 5.000 yên mới

Tờ 1.000 yên

Mặt trước là chân dung Shibasaburo Kitasato, người tiên phong trong lĩnh vực vi khuẩn học. Ông đã phát triển các biện pháp phòng ngừa, điều trị bệnh uốn ván và được mệnh danh là “cha đẻ của nền y học hiện đại Nhật Bản”. Mặt sau in hình bức Sóng lớn ngoài khơi Kanagawa, một trong những bức tranh ukiyo-e mang tính biểu tượng nhất của danh họa Katsushika Hokusai.

1
Tờ 1.000 yên mới

Những tính năng bảo mật nào có trên tiền mới của Nhật Bản?

In khắc lõm: Các thiết kế chính trên tiền giấy, bao gồm cả chân dung, được in bằng phương pháp in khắc lõm (Intaglio printing)

Hologram 3D: Hologram kiểu sọc được thêm vào. Hiệu ứng 3D khiến nhân vật trên tiền trông như chuyển động khi cầm tờ tiền ở các góc độ khác nhau. Nhật Bản là nước đầu tiên áp dụng công nghệ này trên tiền giấy.

 

Hình mờ: Hình mờ mới có độ phân giải cao với thiết kế phức tạp và hình ảnh ẩn sẽ xuất hiện khi nghiêng hoặc soi dưới ánh sáng.

hologram-3d

Mực ngọc trai (pearl ink): Không thể nhìn thấy từ mặt trước, nhưng khi nghiêng tờ tiền, hoa văn màu hồng sẽ xuất hiện ở giữa hai đầu tờ tiền.

In vi mô: Chữ nhỏ khó sao chép chính xác.

Dấu xúc giác: Các mẫu đặc biệt được tạo bằng kỹ thuật in khắc chìm để đạt được bề mặt có kết cấu đặc biệt, giúp người khiếm thị dễ dàng nhận biết từng tờ tiền khi chạm vào.

Mực phát quang: Khi chiếu tia cực tím vào tờ tiền, con dấu của Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản ở mặt trước và một phần họa tiết nền ở hai mặt sẽ phát sáng.

Tiền cũ có còn sử dụng được không?

Sau khi tiền mới được phát hành, các phiên bản tiền giấy trước đó sẽ vẫn có hiệu lực nên bạn không cần lo lắng về việc phải đổi tiền. 

Theo một cuộc khảo sát do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhật Bản thực hiện, tính đến cuối tháng 5/2024, khoảng 80% đến 90% máy bán vé tàu hỏa và máy tính tiền tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đã được nâng cấp để chấp nhận các loại tiền giấy mới (và cả tiền cũ).

Tuy nhiên, tỷ lệ đó chỉ ở mức khoảng 20% ​​đến 30% đối với các máy bán hàng tự động hay máy được lắp đặt tại các nhà hàng… Có lẽ sẽ mất một thời gian trước khi bạn có thể sử dụng tiền giấy mới ở tất cả các máy này.

 

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP TÁC QUỐC TẾ KAHA

✓ Địa chỉ: Số 5.34 Khu đô thị Khai Sơn, Phường Thượng Thanh, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội

✓ Hotline: 0977 629 439

✓ Website: https://www.facebook.com/duhockaha

✓ Facebook:https://www.facebook.com/duhockaha

close-link
0977.629.439