Vào ngày Hạ chí và trong tiết khí Hạ chí, tại xứ Phù Tang có nhiều phong tục vẫn được bảo tồn và thực hành cho đến nay, phản ánh nét đặc sắc trong văn hóa và lối sống của người Nhật.
Hạ chí là gì?
Hạ chí là ngày mà khoảng thời gian ban ngày dài nhất và thời gian ban đêm ngắn nhất ở Bắc Bán cầu, đây cũng là tên gọi của một trong 24 tiết khí trong nông lịch.
Được gọi là “Geshi – 夏至” trong tiếng Nhật, ngày Hạ chí là thời điểm quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của mùa hè và thường rơi vào ngày 21 hoặc 22/6. Còn khi đề cập đến tiết khí Hạ chí, thì nó kéo dài từ khoảng ngày 21-22/6 cho đến trước tiết Tiểu thử (ngày 7-8/7).
Ngày Hạ chí năm 2024
Hạ chí năm 2024 rơi vào thứ Sáu, ngày 21/6 . Vào ngày này tại Tokyo, mặt trời sẽ mọc lúc 4 giờ 26 phút và lặn lúc 19 giờ, tức là thời gian ban ngày sẽ dài 14 giờ 30 phút. Còn tại Việt Nam, theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), Hạ chí năm nay diễn ra vào ngày 21/6 và mặt trời sẽ mọc lúc 3 giờ 46 phút.
Phong tục truyền thống vào tiết Hạ chí
Khi xưa, người Nhật cho rằng ngày Hạ chí là một cột mốc quan trọng để nông dân xác định thời điểm cấy lúa. Nông dân sẽ cấy lúa trước khi bước vào Hangesho (半夏生) – giai đoạn 5 ngày tính từ ngày thứ 11 sau Hạ chí cho đến ngày Tanabata (7/7). Có nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng như một hướng dẫn quan trọng cho việc trồng trọt, người Nhật cho rằng việc trồng lúa phải được hoàn thành sau ngày Hạ chí và trước Hangesho.
Mưa giữa hè (Hange-ame) cũng rơi trong khoảng thời gian này. Lúc ấy lượng khí nóng tích tụ từ mặt đất sẽ bốc lên nên người Nhật thường có tục lệ đậy nắp giếng để tránh khí độc tràn vào nguồn nước và tránh ăn các loại rau hái trong vườn.
Ở một số vùng miền như tỉnh Saitama, người dân truyền tai nhau không nên vào rừng tre trong những ngày này. Tại đây có một truyền thuyết kể rằng khi mưa rơi và hơi đất bốc lên nồng nặc, yêu quái sẽ xuất hiện và lang thang trong rừng tre.
Bên cạnh đó người Nhật còn có tục thanh tẩy cơ thể khi Hạ chí đến. Các buổi lễ thanh tẩy được tổ chức tại nhiều đền chùa. Như tại đền thời Futami Okitama ở Ise, tỉnh Mie, người dân thường thực hiện nghi lễ thờ cúng, tắm biển ở vịnh Ise lúc bình minh.
Những sự kiện trong tiết Hạ chí
Hạ chí đến, báo hiệu hè về cũng là lúc ở Nhật diễn ra nhiều lễ hội và hoạt động. Trong tiết Hạ chí, có một số sự kiện nổi bật được tổ chức, bao gồm:
Đêm thắp nến
“Hyakuman-nin no kyandoru naito” (tạm dịch: Đêm thắp nến của một triệu người) là phong trào bắt đầu tại Tokyo từ năm 2003. Sự kiện thường kéo dài từ 8 đến 10 giờ tối vào đêm Hạ chí và Đông chí với việc mọi người tắt hết đèn điện và sau đó thư giãn, tận hưởng “những hoạt động chậm rãi”.
Ở chùa Zojoji tại Shiba, Tokyo, 1.690 ngọn nến được thắp lên với 17 màu, đại diện cho 17 mục tiêu chính và 169 chỉ tiêu thuộc Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Lễ tưởng niệm Okinawa
Vào ngày 23/06 hằng năm, người Nhật tổ chức lễ tưởng niệm Okinawa, tưởng nhớ đến 200.000 người đã thiệt mạng trong trận Okinawa vào cuối Thế chiến hai. Nghi lễ tổ chức tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở Itoman, tỉnh Okinawa. Người dân đến đây để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong chiến tranh và cầu nguyện cho hòa bình.
Lễ thanh tẩy Nagoshi no Harae
Vào ngày cuối cùng của tháng 6 sẽ diễn ra nghi lễ Nagoshi no Harae. Thời điểm này người Nhật thường ghé đến các đền thờ thần đạo và đi xuyên qua chiếc vòng lớn gọi là chinowa đặt ở đền rồi cầu nguyện. Vòng được bện từ cỏ tranh hoặc các loại cây khác, được cho là giúp thanh tẩy và bảo vệ con người khỏi bệnh tật, tai ương.
Tại đền thờ người Nhật còn thực hiện nhiều nghi lễ trong đó có lễ giải hạn (oharai) nhằm xóa bỏ những điều xui rủi trong cuộc sống.
Món quà của thiên nhiên
Tiết Hạ chí cũng là mùa hoa Hangesho nở rộ. Hoa này có tên khoa học là saururus chinensis, trong tiếng Việt được gọi với nhiều cái tên như cây hàm ếch, trầu nước, bạch thảo, đường biên ngẫu… Hoa mọc ven các kênh, mương, bờ sông hay suối, nơi bìa rừng và mang một màu trắng tinh khiết.
Người dân thường hái cây hoa về để chế biến thành thảo dược. Trong Đông y, cây Hangesho có tác dụng chống viêm, dùng làm thuốc trị bệnh đái tháo đường, giải độc, phục hồi những tổn thương vùng da.
Đây cũng là mùa của quả anh đào (cherry), những “viên ngọc đỏ” với vị chua ngọt hấp dẫn. Tại xứ Phù Tang, anh đào vào mùa từ tháng 6 đến tháng 7. Thường qua ngày Hạ chí là lúc anh đào chín mọng, người dân nô nức cùng nhau đi thu hái.
Tỉnh Yamagata được xem là thiên đường của quả anh đào, với sản lượng quả chiếm khoảng 70% toàn quốc. Anh đào thơm ngon, nổi tiếng nhất của Yamagata là Sato Nishiki, một giống quả do ông Sato Eisuke ở thành phố Higashine nhân giống.
Món ngon khi tiết trời vào hạ
Khi ngày Hạ chí đến cũng là lúc người Nhật thưởng thức những món ăn đặc trưng của mùa hè.
Bánh Minazuki
Món này có hình tam giác với lớp bánh gạo hấp Uiro màu trắng dẻo thơm cùng đậu đỏ nấu chín mang vị ngọt thanh phủ bên trên. Đây là món bánh truyền thống thường được người dân Kyoto thưởng thức vào ngày 30/6, tương ứng với thời điểm giữa năm. Bánh mang theo mong ước xua đuổi vận hạn, hướng đến điều tốt lành trong cuộc sống.
Thạch Tokoroten
Khi hè về, cái nóng bao phủ thì Tokoroten rất được ưa chuộng. Đây là món ăn giải nhiệt đã có từ hơn 1.000 năm trước.
Tokoroten được làm từ rong biển tengusa. Khi đun sôi tengusa rồi chắt lấy nước cốt và để nguội sẽ tạo thành thạch. Phần thạch này sau đó được cắt bởi một dụng cụ gọi là tentsuki thành những sợi rau câu óng ánh, mang đến sự mát lành của thiên nhiên.
Tùy theo khẩu vị và văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền mà có nhiều cách ăn khác nhau. Trong đó miến thạch trộn với giấm gạo, rượu mirin, nước tương hay si rô đường nâu khá phổ biến.
Cá cam (Kampachi)
Kampachi cũng là món được dùng phổ biến trong dịp Hạ chí. Món cá cam này có vị béo, được chế biến thành sashimi hoặc nấu với sốt teriyaki…
Hangesho mochi
Sau khi việc cấy lúa hoàn tất, bước vào những ngày Hangesho, có một loại bánh thường được thưởng thức ở tỉnh Nara là Hangesho mochi. Người dân vùng Kita Wakayama, tỉnh Wakayama và Minamikawachi, tỉnh Osaka cũng có tục lệ ăn bánh gạo này.
Hangesho mochi được làm bằng cách trộn tsubushi komugi (lúa mì nghiền) và gạo nếp, vì vậy nó đôi khi được gọi là Komugi mochi. Bánh còn có cái tên khác là Sanaburi mochi vì thường được dùng trong nghi lễ Sanaburi để cảm tạ thần lúa.
Bạch tuộc
Người dân ở vùng Kansai có phong tục ăn bạch tuộc vào ngày Hangesho hằng năm để cầu mong mùa màng bội thu. Họ tin rằng nếu ăn bạch tuộc trong ngày này thì cây trồng sẽ bám rễ sâu vào lòng đất và phát triển, đem đến vụ mùa bội thu.
Ngoài ra cũng trong dịp này, người dân ở Sanuki (tỉnh Kagawa) có tục ăn udon, còn vùng Ono, tỉnh Fukui, lại có phong tục ăn cá thu nướng…
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|