Tại Nhật, khi di chuyển ở những nơi công cộng như tàu điện ngầm hay Shinkansen, tuyệt nhiên bạn sẽ không hề nghe thấy bất cứ âm thanh nào khác ngoài tiếng động cơ chạy, đó là vì người Nhật hạn chế làm phiền đến người khác do văn hóa tránh “Meiwaku” đã ăn sâu vào tính cách của họ.
“Meiwaku – 迷惑” trong tiếng Nhật có nghĩa là phiền hà, quấy rầy. Điển hình như thư rác (spam email) được gọi là “Meiwaku Mail – 迷惑メール” và thuật ngữ này cũng được áp dụng cho những cuộc điện thoại mà chúng ta không muốn nhận (như bán bảo hiểm, bất động sản…). Chính vì thế, “Meiwaku shinai – 迷惑しない” (không làm phiền) được dùng để chỉ văn hóa không muốn mang đến sự phiền toái đến cho người khác. Đi kèm theo đó là câu cửa miệng “Sumimasen – すみません” được dùng thường xuyên trong giao tiếp. Nghĩa của “Sumimasen” là xin lỗi nhưng đa phần sẽ đóng vai trò cho một lời chào/sự thông báo một điều Meiwaku đã, đang, sẽ xảy ra mà có thể dự báo được. Trong trường hợp này, “Sumimasen” có thể hiểu là “Xin thứ lỗi”.
– “Xin thứ lỗi cho tôi vì đã làm ồn.”
– “Xin thứ lỗi có thể cho tôi đi qua được không?”
– “Xin thứ lỗi tôi phải về trước vì có việc gấp!”
Tại công sở
Khác với văn hóa châu Âu đề cao tính cá nhân và độc lập, thì tại châu Á, tính cộng đồng lại là yếu tố cốt lõi, đặc biệt là tại Nhật. Điều này càng thể hiện rõ ràng hơn trong văn hóa công sở: công việc các phòng ban đều liên kết chặt chẽ với nhau; luôn tôn trọng những quyết định của nhóm; không bao giờ áp đặt suy nghĩ cá nhân vào trong công việc. Chính vì mỗi cá nhân là một mắt xích quan trọng trong tập thể nên họ rất ngại gây ảnh hưởng đến người khác. Đây cũng là một trong những lý do người Nhật thường xuyên về muộn do muốn hoàn thành các công việc trong ngày, hay hạn chế nghỉ phép vì khi ấy họ buộc đồng nghiệp phải hỗ trợ hoàn thành công việc – một điều khiến họ cảm thấy tội lỗi. Nó được gọi là “bệnh Meiwaku”.
Tại nơi công cộng
Như đã đề cập, tại những nơi công cộng của Nhật Bản, bạn sẽ ít nghe được tiếng ồn phát ra từ con người, đó là phép lịch sự cơ bản của họ. Người Nhật hạn chế nói chuyện riêng hay nghe điện thoại trên tàu, nếu có một cuộc điện thoại gọi đến, họ thường lấy tay che miệng lại và trả lời rằng “Tôi sẽ gọi lại sau”. Hành động che miệng này như một cách để giảm tiếng ồn ảnh hưởng đến một ai đó, và việc bắt máy, hẹn thời gian trả lời cũng là cách để đảm bảo người gọi hãy yên tâm rằng sẽ có sự phản hồi sau.
Hay cả việc nghe nhạc cũng có một số quy tắc riêng: đeo tai nghe để nghe nhạc, nếu âm thanh từ tai nghe to đến nỗi người bên cạnh có thể nghe được thì bạn đang mắc lỗi Meiwaku. Thay vì nói chuyện cùng nhau, người Nhật thường tận dụng thời gian rảnh rỗi trên tàu để đọc sách, tin tức hay cảnh tượng thường thấy nhất là ngủ sau một ngày dài làm việc mệt mỏi. Vì vậy, việc vô tình hay cố ý gây ra âm thanh làm ảnh hưởng đến sự tập trung của họ cũng sẽ bị tính là thô lỗ.
Hay như việc nước Nhật được xem là quốc gia đúng giờ nhất, với độ chính xác về thời gian gần như tuyệt đối, sự sai lệch về thời gian cũng sẽ gây ra Meiwaku. Đơn cử như vụ việc nổi tiếng về công ty đường sắt Tây Nhật Bản (JR-West) đã đưa ra lời xin lỗi vì tàu chạy sớm 25 giây so với thời gian công bố. Đối với nhiều người, 25 giây là một con số quá nhỏ không đáng kể đến, nhưng với người Nhật, 25 giây đó có thể làm cho nhiều hành khác bị lỡ mất chuyến tàu đi làm, ảnh hưởng đến công việc của họ. Bên cạnh đó, trên đường cao tốc ở Nhật sẽ được xây dựng hệ thống trông giống như rào chắn, đó là hệ thống giảm âm để những ngôi nhà quanh khu cao tốc sẽ không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn.
Tại chung cư
Mối quan hệ giữa hàng xóm với nhau luôn là vấn đề gây đau đầu đối với nhiều người vì chỉ một chút sơ sót cũng có thể gây ra tranh cãi. Tại Nhật, tôn trọng và đúng giờ gần như là hai điều luôn đi song hành, tạo nên nét văn hóa tránh Meiwaku. Bước đầu tiên khi đến sống trong khu chung cư, người Nhật thường sẽ chuẩn bị đồ ăn hay một món quà nhỏ để gửi tặng cũng như chào hỏi những người hàng xóm, điều này giúp hàng xóm có thể biết được chủ nhân mới của căn nhà là ai, đồng thời xây dựng thiện cảm. Nhưng không phải vì thế mà bạn muốn làm gì cũng được trong nhà mình. Tiếng ồn là việc khó tránh khỏi nhưng cũng nên giảm thiểu chúng ở mức thấp nhất, nếu không những người hàng xóm sẽ không thân thiện như lúc đầu.
Việc phân loại rác đúng, mang rác xuống dưới chung cư đúng giờ, đúng vị trí cũng là yêu cầu tiên quyết để đảm bảo vệ sinh, tránh ảnh hưởng đến mọi người. Ngoài ra, một số nơi còn không cho những người thuê nhà nuôi chó hay có em bé vì tiếng ồn sẽ gây ảnh hưởng đến những người khác. Nhiều người nước ngoài chia sẻ rằng không có quy tắc nào cấm đoán bạn sử dụng một đồ dùng nào đó, nhưng nhạc cụ, máy hút bụi không được sử dụng vào sáng sớm hoặc đêm. Đa phần các máy hút bụi tại Nhật đều có chế độ im lặng khi hoạt động. Chủ nhân của blog Atlanta2tokyo thú nhận rằng họ không hề nghe thấy tiếng ồn từ nhà hàng xóm hay bất kì âm thanh nào khác ngoại trừ tiếng thang máy hoạt động. Điều này làm cô ngạc nhiên vì ở một nơi có mật độ dân số cao như Tokyo, mọi thứ đều yên tĩnh đến bất ngờ.
Chính vì thế, tránh Meiwaku là một chướng ngại lớn đối với đa phần người nước ngoài sinh sống tại Nhật, đặc biệt với những người đến từ các quốc gia mà chủ nghĩa cá nhân, sự tự do được thể hiện rõ. Nhưng nếu muốn hòa nhập tại một nơi khác, họ buộc phải học cách chấp nhận và tôn trọng văn hóa bản địa.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|