Nếu như nhắc tới Việt Nam ta nghĩ ngay đến Áo Dài, Nón Lá, Hoa Sen. Canada biểu tượng Lá Phong. Nhật Bản là Kimono và Hoa anh đào. Vậy khi nhắc tới nước Úc, thì biểu tượng của nước Úc là gì và có những điểm thú vị nào? Hãy cùng KAHA tìm hiểu về biểu tượng của nước Úc xinh đẹp nhé.
1. Quốc kỳ – Lá Cờ nước Úc:
Lá cờ nước Úc có ba màu chủ đạo là xanh dương, đỏ và trắng.
Điểm nổi bật là phía bên trái lại là Hiệp kỳ liên minh (quốc kỳ của vương quốc Anh).
Bao gồm 3 chữ thập huy hiệu đại diện cho các quốc gia cấu thành Anh Quốc:
- Chữ Thập Thánh George màu đỏ của Anh.
- Chữ Thập chéo màu đỏ của Ireland tượng trưng cho Thánh Patrick.
- Chữ Thập chéo Thánh Andrew màu trắng của Scotland.
Lý do huy hiệu của nước Anh xuất hiện trên lá cờ Úc là vì trước đây Úc là thuộc địa của nước Anh. Vào những năm 1788, người Anh chọn Úc để chuyển các tù binh đến đây bằng những con tàu, biến Úc làm căn cứ thương mại với Đông Nam Á, Trung Quốc. Vào năm 1850, do sự cai quản thuộc địa khó khăn, Chính phủ Anh đã giao cho các thuộc địa quyền thiết lập tự trị và đưa ra luật lệ riêng. Ngày 1-1-1901 Chính phủ Quốc gia được thành lập gọi là Federation, tạo ra 1 đất nước thống nhất. Úc đạt được địa vị quốc gia có chủ quyền độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, theo Đạo luật Westminster 1931. Tuy nhiên, đến năm 1942 thì Úc mới phê chuẩn Đạo luật Westminster.
Đối với người dân Úc, Hiệp kỳ liên minh tượng trưng cho lịch sử quốc gia, là 6 thuộc địa và các nguyên tắc của Liên bang. Nhưng một số quan điểm dựa vào lịch sử Úc, hình tượng này trên lá cờ nước Australia là để biểu thị lòng trung thành với Đế quốc Anh. Úc dù sao đi chăng nữa cũng là một phần của nước Anh và nằm trong khối liên minh Anh. Cho nên Hiệp kỳ liên minh trên lá cờ của nước Anh được Úc lấy làm hình ảnh cho quốc kỳ Úc.
Quốc kỳ Úc màu xanh lam – Biểu tượng cho hải đảo lớn nhất Thế Giới
Màu sắc chủ đạo của quốc kỳ Australia là màu xanh nước biển. Lý do mà xứ sở chuột túi sử dụng màu sắc này là vì Úc là một quốc đảo lớn nhất trên thế giới. Được bao quanh bởi biển cả mênh mông và trù phú.
6 ngôi sao trên lá cờ, và mỗi ngôi sao có 7 cánh.
Thoạt đầu ngôi sao này có 6 cánh, nhưng sau đó nước Úc có thêm các lãnh thổ, nên nhà phác họa phải vẽ lại ngôi sao có 7 cánh vào năm 1908.
Một ngôi sao 7 cánh màu trắng lớn nhất ở dưới, thường được gọi là ngôi sao Thịnh vượng chung. Đại diện cho 6 tiểu bang độc lập và một khu tự trị ở phía Bắc nước này. Sáu tiểu bang của Úc là:
1 – New South Wales, thủ đô là thành phố Sydney
2 – Tasmania thủ đô là thành phố Hobart
3 – Victoria thủ đô là thành phố Melbourne
4 – Queensland thủ đô là thành phố Brisbane
5 – Western Australia thủ đô là thành phố Perth
6 – South Australia thủ đô là thành phố Adelaide
Ngôi sao 7 cánh nổi bật tượng trưng cho 7 vùng lãnh thổ tự trị của Úc
1 – Australian Antarctic Territory
2 – Christmas Island
3 – Flying Fish Cove
4 – Cocos (Keeling) Islands
5 – Coral Sea Islands Territory
6 – Heard Island và McDonald Islands
7 – Jervis Bay Territory
2. Quốc huy Úc:
Quốc huy của nước Úc ra đời vào năm 1912 và được sử dụng cho đến ngày nay. Hình ảnh chủ đạo của quốc huy là Kangaroo và Đà điểu Emu đứng trên cành cây khuynh diệp, xung quanh được trang trí bằng hoa Wattle vàng.
Chính giữa quốc huy là bảng huy hiệu của 6 Tiểu bang, bao gồm:
- Bang South Wales: Chữ thập thánh George màu đỏ (trên chữ thập có 1 con sư tử và bốn ngôi sao).
- Bang Victoria: Chòm sao hình chữ thập nằm dưới chiếc vương miện.
- Queensland: Hình chữ thập Malta màu lam.
- Bang South Australia: Một con chim bách thanh tung cánh.
- Bang Western Australia: Thiên nga đen.
- Bang Tasmania: Hình ảnh sư tử đỏ.
Đường viền xung quanh bảng huy hiệu tượng trưng cho sự đoàn kết của các Tiểu bang. Trên tấm là chắn là Ngôi sao Liên bang bảy cánh tượng trưng cho quốc gia liên bang anh hùng và dưới cùng là một dải băng tên nước Úc.
Hai vùng lãnh thổ tự trị, là thủ đô Canberra và Northern Territory (thủ phủ là Darwin), mới thành lập sau này nên không có trong bảng quốc huy nước Úc.
3. Ngày Quốc Khánh nước Úc 26/1:
Ngày 26/1/1978, là ngày mà Thuyền Trưởng Arthur Phillip dẫn đầu 7 tàu chở tù nhân, lính bảo vệ và các công chức tới Úc, hạm đội chuyển đến Port Jackson. Thiết lập nên vùng này và tạo nên thành phố Sydney sau này. Australia Day được tổ chức vào ngày 26 – 1 hàng năm để tưởng nhớ sự thành lập tại Port Jackson.
Ngày nay, cứ tới 26-1 hàng năm người dân tụ tập nhau lại dọc bãi biển Cảng Sydney để ăn mừng trên biển.
4. Quốc ca nước Úc:
Quốc ca của Úc là : Advance Australia Fair được sáng tác bởi nhà soạn nhạc gốc Scotland Peter Dodds McCormick. Bài hát này được trình diễn lần đầu tiên vào năm 1878 và được hát ở Úc như một bài hát yêu nước. “Advance Australia Fair” đã thay thế “God Save the Queen” là quốc ca chính thức vào năm 1984.
Sau gần 40 năm, trước thềm bước sang năm 2021, Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố bài quốc ca “Advance Australia Fair” sẽ được sửa một từ ở dòng đầu tiên. Là một sự công nhận đối với lịch sử 60.000 năm của cộng đồng người bản địa.
Theo đó, vế thứ hai trong câu đầu tiên của bài quốc ca sẽ được sửa từ “for we are young and free” (tạm dịch: Vì chúng ta trẻ và tự do) sang “for we are one and free” (tạm dịch: Vì chúng ta là một và tự do).
5. Nhà hát Opera Sydney:
Nhà hát Opera Sydney khánh thành vào ngày 20/10/1973 được thiết kế bởi kiến trúc sư Jorn Utzon, 38 tuổi người Đan Mạch. Vượt khỏi khuôn mẫu những tòa nhà hình hộp vô cùng phổ biến thời đó, thiết kế của Utzon chiến thắng vì lối thiết kế hình cong đặc trưng và các mái vòm khiến người ta liên tưởng tới những cánh buồm trắng hay hình con sò.
Có tới hơn 1 triệu tấm gạch được lát trên 1,62 hecta phần mái kiến trúc. Tất cả đều sản xuất tại Thụy Điển. Đỉnh mái cao nhất của Nhà hát Opera Sydney là 67m so với mặt nước biển, tương đương với một tòa nhà cao 22 tầng. Toàn bộ khu vực nhà hát Opera Sydney có diện tích 5,8 hecta, đủ chỗ cho 7 chiếc A380 sải cánh cạnh nhau.
Nhà hát Opera Sydney được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2007 đã trở thành biểu tượng của nước Úc, thu hút 8,2 triệu khách du lịch mỗi năm.
6. Loài vật biểu tượng của nước Úc:
6.1. Kangaroo:
Chuột túi Kangaroo được xem là loài động vật biểu tượng của nước Úc. Thuộc họ Macropods (họ chân lớn) được xếp vào dòng thú có túi. Trên thế giới, đây là dòng chuột duy nhất không được xếp vào bộ gặm nhấm hay bộ chuột.
Kangaroo là loài thú có túi lớn nhất trong hơn 330 loài trên toàn thế giới. Tại Úc, Kangaroo có 4 loài khác nhau: Đỏ – Red, Antilopine, Eastern Grey (Đông Xám), Western Grey (Tây Xám), phân biệt dựa theo kích thước, màu lông và vị trí phân bổ. Tuổi thọ của Kangaroo từ 10-20 năm.
Kangaroo mẹ mang thai chỉ khoảng 7 tuần thì sinh con, và có thể sinh 4 em bé cùng lúc.
Kangaroo có tập tính bầy đàn. Kangaroo không thể di chuyển một cách bình thường bằng chuyển động chân trước chân sau. Nó luôn luôn phải di chuyển hai chân cùng một lúc như thể cả hai chân được gắn với nhau, chính vì thế chúng chỉ có thể nhảy để di chuyển và không bao giờ đi lùi.
Chú Kangaroo nổi tiếng nhất thế giới mang tên Roger sống tại Alice Spring, Úc. Chú có chiều cao 2.1m (6″8 feet), nặng 100kg (200 pound).
6.2. Gấu túi Koala – một trong những loài vật biểu tượng của nước Úc:
Gấu Koala, hay gấu túi (tên khoa học: Phascolarctos cinereus) là một loài thú có túi ăn thực vật sống tại Úc, loài vật duy nhất còn sống trong họ Phascolarctidae. Gấu Koala được tìm thấy ở vùng dọc theo bờ biển phía đông và nam đảo chính, ở Queensland, New South Wales, Victoria và Nam Úc.
Loài gấu Koala, hay gấu túi, chỉ dài từ 63cm – 88cm và nặng khoảng 13kg hoặc ít hơn.
Gấu Koala mới sinh chỉ dài chưa đầy 2,5cm, không có lông. Mắt và tai của nó cũng khép lại và phát triển đầy đủ nhất trong năm thứ tư của cuộc đời.
Gấu Koala mới sinh sẽ ở trong túi của gấu mẹ trong 6 tháng.
Gấu Koala chủ yếu ăn lá bạch đàn và rất hiếm khi uống nước.
Thực chất gấu Koala không phải thuộc họ gấu.
Một con gấu Koala có thể ăn 1kg lá/đêm và ngủ khoảng 20 tiếng một ngày.
Gấu Koala mới sinh thì không có lông. Mắt và tai của nó cũng khép lại.
6.3. Đà điểu Emu – xuất hiện trên quốc huy biểu tượng của nước Úc:
Đà điểu châu Úc hay đà điểu Emu (Dromaius novaehollandiae) là một loài chim thuộc họ Đà điểu châu Úc của bộ Casuariiformes. Đây là loài đặc hữu của Úc, loài chim bản địa lớn nhất và là thành viên duy nhất còn sinh tồn của chi Dromaius. Phạm vi phân bố của chúng bao phủ hầu hết lục địa Úc, nhưng các phân loài trên Tasmania, Đảo Kangaroo và Đảo King đã bị tuyệt chủng sau khi người Châu Âu định cư ở Úc vào năm 1788.
Đà điểu Emu là loài chim có đầu và cổ có lông mềm, màu nâu, không bay với cổ và chân dài, chân có ba ngón, có thể cao tới 1,9 m.
Emu có thể di chuyển một quãng đường rất xa, và khi cần thiết có thể chạy nước rút với tốc độ 50 km/h;
Emu ăn nhiều loại thực vật và côn trùng, nhưng đã được biết là có thể nhịn ăn trong nhiều tuần.
Chúng uống nước không thường xuyên, nhưng uống rất nhiều nước khi có cơ hội.
Trọng lượng cơ thể trung bình khoảng từ 40 kg đến 50 kg.
Emu là một biểu tượng văn hóa quan trọng của Úc, xuất hiện trên quốc huy và các loại tiền xu. Loài chim này nổi bật trong thần thoại bản địa Úc.
7. Loài hoa biểu tượng của nước Úc:
A. Hoa Golden Wattle (làm nền của quốc huy):
– Biểu tượng cho sự bền bỉ và kiên trì của đất nước Australia
Golden Wattle thuộc họ Mimosaceae, lá xanh, bông vàng, hình cầu, kết thành chùm. Người Úc rất thích loài hoa này. Hiệp Hội Wattle do Archibald Campbell thành lập năm 1899 tại Tiểu bang Victoria đã phát động ngày lễ hội hoa Wattle trong tháng 9 hàng năm nhằm khích lệ công nhận đó là loại hoa biểu tượng nước Úc. Số lượng hoa Wattle không có nước nào nhiều bằng nước Úc. Ngày 01/09/1988, nhân ngày Kỷ niệm 200 năm người Anh đến định cư ở Úc, Golden Wattle đã được công nhận là hoa biểu tượng cho quốc gia. Ngày đó Thủ Tướng phu nhân, Bà Hazel Hawke, trồng một cây Wattle Vàng (Golden Wattle) trong vườn Australian National Botanic Gardens. Bốn năm sau đó, Bộ Môi Sinh Liên bang Úc chính thức tuyên bố ngày 1 tháng 9 hàng năm là “Ngày lễ hội hoa Wattle của nước Úc”.
B. Ngoài ra ở mỗi bang đều có loài hoa biểu tượng riêng tạo nên nét đặc sắc trong các loài hoa biểu tượng của nước Úc như:
- Hoa Waratah (Biểu tượng Tiểu bang NSW)
Là loài hoa màu đỏ, hình cầu, có đường kính từ 7-10 cm, tên khoa học là Telopea speciosissima, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là loài hoa “đẹp đẽ”, “nhìn thấy từ xa”. Waratah được công nhận là loài hoa biểu tượng của bang NSW vào ngày 24/10/1962.
- Hoa Pink Heath (Biểu tượng Tiểu bang Victoria)
Hoa màu hồng, hình chuông dài 25 mm, tên khoa học là Epacris impressa, tiếng Hy Lạp “epi” có nghĩa là “ở trên” và “akris”có nghĩa là “ngọn đồi”, chữ “impressa” mang ý nghĩa “xen kẽ” (cứ 5 hoa mọc thẳng hàng trên cành hoa, rồi 5 hoa khác mọc thẳng hàng tiếp theo ở phía bên kia của cành hoa). Ngày 11/11/1958, Victoria trở thành Tiểu bang tiên phong cho việc chọn một loài hoa làm biểu tượng và loài hoa đó là Pink Heath.
- Cooktown Orchid (Biểu tượng Tiểu bang Queensland)
Là loại hoa lan, có tên khoa học là Dendrobium bigibbum.
Tên đặc biệt của nó là Phalaenopsis, gốc từ tiếng Hy Lạp “phalaina” là “sâu bướm”, vì hình dáng của hoa rất giống sâu bướm, màu hồng sậm. Cooktown là tên một địa danh miền Bắc Queensland có con sông Endeavour, nơi mà thuyền trưởng Cook của Anh Quốc vào năm 1770 đã có dịp ngừng lại để sửa tàu. Ven bờ sông này có nhiều hoa Cooktown Orchid mọc. Loại hoa này rất dễ trồng và cũng rất hợp với phong thổ Queensland, nên được chọn làm biểu tượng của Tiểu bang vào ngày 19/11/1959.
- Mangles Kangaroo Paw (Biểu tượng Tiểu bang Western Australia)
Có tên khoa học là Anigozanthos manglesii, thuộc họ Haemodoraceae. Anigozanthos có thể do từ Hy Lạp “Anises”, có nghĩa là “không đều” hay là “xiên xéo” và “anthos” nghĩa là “hoa”, ám chỉ phần cuối của hoa gồm 6 cánh không bằng nhau. Còn Mangles là để vinh danh ông Robert Mangles, người đã thí nghiệm gieo trồng loại hoa này trong khu vườn của ông ở Anh quốc. Tên thường gọi của loài hoa này là Kangaroo Paw vì hình dáng của hoa rất giống bàn chân của Kangaroo. Hoa màu xanh lục, nền màu đỏ, được công nhận là loài hoa biểu tượng của Tiểu bang Tây Úc vào ngày 9/11/1960.
- Sturt’s Desert Pea (Biểu tượng Tiểu bang South Australia)
Tên khoa học là Swainsona Formosa, thuộc họ Fabaceae. Là một loại dây bò dưới đất, có bông dài khoảng 9 cm, màu đỏ thắm, kết từng chùm từ 6 đến 8 cái trên một nhánh ngắn và thẳng đứng. Trên cánh hoa có chấm đen giống hạt đậu.
Thuyền Trưởng Charles Sturt (1795-1869) phát hiện loại hoa này vào năm 1844 trong chuyến đi thám hiểm giữa Adelaide (South Australia) đến miền trung bộ nước Úc. Tên Swainsona để vinh danh Isaac Swainson người đã bảo quản Vườn bách thảo tư Twickenham gần London vào khoảng năm 1789. Và Formosa , từ La Tinh, có nghĩa là đẹp. Sturt’s Desert Pea được chọn làm biểu tượng của Tiểu bang Nam Úc vào ngày 23/11/1961.
- Tasmania Blue Gum (Biểu tượng Tiểu bang Tasmania)
Tên khoa học là Eucalyptus Globulus, thuộc họ Myrtaceae, do nhà thực vật học người Pháp, Jacques-Julien Houton de Labillardiere (1755-1834) lần đầu tiên tìm thấy ở bờ biển đông nam đảo Tasmania khoảng năm 1792-1973.
Đó là một trong số trên dưới 800 loại cây khuynh diệp tại Úc. Cây Tasmanian Blue Gum có thể cao tới 70 mét và đường kính của thân cây có thể tới 2 mét, lá xanh, bông hình cầu (globulus),trắng ngà. Tasmanian Blue Gum được chọn làm biểu tượng của Tiểu bang Tasmania vào ngày 27/11/1962.
- Royal Bluebell (Biểu tượng thủ đô Canberra)
Tên khoa học là Wahlenbergia gloriosa, thuộc họ Campanulaceae. Wahlenbergia là tên do nhà thực vật học người Đức, Heinrich Schrader, đặt ra để vinh danh Georg Goran Wahlenberg (1780-1851), Giáo sư Thực vật học ở Uppsala, Thụy Điển. Từ La Tinh Gloriosa có nghĩa là “glorious” (rực rỡ, lộng lẫy).
Hoa hình ngôi sao 5 cánh, đường kính 2-3 cm, màu tím xanh, nhạt dần về phía nhụy. Royal Blue Bell được chọn làm biểu tượng của thủ đô Canberra vào ngày 26/05/1982.
- Sturt’s Desert Rose (Biểu tượng của Northern Territory)
Tên khoa học là Gossypium sturtianum, thuộc họ Malvaceaeae. Còn có tên Darling River Rose, Cotton Rosebush và Australian Cotton. Gossypium xuất phát từ tiếng La Tinh “gossypion” (cây bông vải).
Sturtianum để vinh danh thuyền trưởng Charles Sturt (1795 -1869) đã tìm thấy loại hoa này trong chuyến đi đến miền trung bộ nước Úc những năm 1844 – 1845. Bụi hoa Sturt’s Desert Rose cao từ 1 mét đến 2 mét. Lá màu xanh đậm., hình bầu dục, dài độ 5 cm. Sturt’s Desert Rose được chọn làm biểu tượng cho Vùng Lãnh thổ Bắc Úc vào ngày 12/07/1961.
Khám phá Xứ sở Kangaroo thú vị và xinh đẹp cùng KAHA!