Cứ đến tháng năm một “chứng bệnh” lại xuất hiện ở Nhật, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở những mức độ khác nhau. Cùng Du học KAHA tìm hiểu “gogatsu byo” là bệnh gì và bắt nguồn từ đâu nhé!
1. Nguồn gốc của chứng “bệnh tháng Năm”
“Gogatsu byou” – dịch ra có nghĩa là bệnh tháng Năm, nghe tên hẳn bạn sẽ nghĩ bệnh này liên quan đến thời tiết nhưng không phải đâu nhé. Trong y khoa đây không phải là thuật ngữ y tế mà chỉ dùng để gọi chung các biểu hiện tâm lý tiêu cực sinh ra khi cơ thể người bệnh không thể thích nghi được với môi trường sống thay đổi đột ngột.
“Gogatsu byou” – dịch ra có nghĩa là bệnh tháng Năm
Vậy tháng 5 có sự kiện gì gây ảnh hưởng lớn đến vậy?
Đó chính là “Tuần lễ vàng” – một trong những kỳ nghỉ dài nhất trong năm của Nhật Bản, diễn ra trong khoảng cuối tháng 4 – đầu tháng 5. Bởi tháng 4, người Nhật bận rộn với rất nhiều cột mốc quan trọng: bắt đầu năm tài chính, học sinh nhập học, tốt nghiệp, công việc mới… nên “tuần lễ vàng” diễn ra sau đó để người dân được nghỉ ngơi, thư giãn đi du lịch.
Với tiết trời mùa xuân dễ chịu, lẽ ra mọi người sẽ cảm thấy sảng khoái tận hưởng những ngày nghỉ cũng như được nạp lại năng lượng để sẵn sàng quay lại học tập và làm việc. Nhưng thực tế sau khi nghỉ dài, việc quay trở về guồng quay cuộc sống thường ngày làm mọi người không khỏi uể oải.
Việc nghỉ lễ dài khiến nhiều người gặp khó khăn khi quay lại guồng quay công việc
Có thể thấy, người Nhật phải thay đổi trạng thái liên tục, từ cực kỳ bận rộn chuyển sang quá thoải mái trong những ngày nghỉ khiến cơ thể và tâm lý khó thích nghi kịp và không có tâm trạng quay trở về quỹ đạo đi học hay đi làm. Liên hệ với Việt Nam chúng ta sau kì nghỉ Tết, hẳn nhiều bạn cũng hiểu cảm giác trên.
2. Những biểu hiện của “bệnh tháng Năm”
Theo một nghiên cứu về căng thẳng được thực hiện vào năm 2018 bởi công ty bảo hiểm nhân thọ Zurich, cứ 4 người thì sẽ có 1 người trải qua “Bệnh tháng Năm”.
Tâm lý chán nản, uể oải, mệt mỏi, dễ cáu gắt, cảm giác lạc lõng, không có động lực làm việc,… là những biểu hiện nổi bật của “Bệnh tháng năm”. Ngày lại ngày, nếu không nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên, khích lệ hoặc một yếu tố nào đó thay đổi hoàn cảnh theo hướng tích cực hơn, dần dần họ nghĩ rằng mình không thích hợp với ngành học này, trường này, công việc này hay công ty này. Dẫn đến việc họ mất hoàn toàn tự tin trong việc thích ứng với môi trường mới. Họ bắt đầu nghỉ học, những ngày nghỉ làm tăng dần lên. Mức độ cao nhất của hàng loạt sự kiện trên sẽ là căn bệnh trầm cảm.
Chán nản, mệt mỏi, không có động lực… là những biểu hiện nổi bật của bệnh tháng Năm
3. “Bệnh tháng Năm” không chỉ mắc vào tháng 5
Bạn có từng rơi vào cảnh:
– Đang quen với giờ giấc học sinh, cách dạy học thời cấp 3, khi lên đại học, mọi thứ thay đổi làm bạn thấy bỡ ngỡ và khó thích ứng.
– Nhảy sang một công việc mới, bạn nghĩ môi trường sẽ tốt hơn nhưng quan hệ với đồng nghiệp không tốt làm bạn thấy lạc lõng.
– Bạn đang rất vui vẻ vì đạt được một thành tựu hay được thưởng nhưng lại lo sợ thời khắc ấy sẽ qua đi và không biết mục tiêu tiếp theo sẽ là gì.
– Tưởng tượng và thực tế sao khác nhau quá đỗi!
Ai cũng có thể mắc “bệnh tháng Năm” và mắc vào bất kỳ thời điểm nào trong năm
Nếu đã từng cảm thấy như trên thì bạn sẽ hiểu phần nào cảm giác của người mắc phải “bệnh tháng Năm”. Như vậy, ai cũng có thể mắc “bệnh tháng Năm” và mắc vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Chỉ là, mỗi người có sức chịu đựng khác nhau, có người có thể vượt qua có người lại trượt dài theo những cảm xúc tiêu cực ấy.
4. Cách phòng và giảm nhẹ triệu chứng của “bệnh tháng Năm”
Càng ngày, áp lực cuộc sống càng tăng, các bệnh tâm lý có thể xảy đến với bất kỳ ai. Vì thế hãy bảo vệ trái tim và tinh thần của bạn bằng những cách sau:
– Sinh hoạt hợp lý: Tránh thức khuya hay ngủ quá nhiều, hạn chế ăn vặt hoặc ăn không đúng bữa. Việc này sẽ giúp bạn không bị mệt mỏi khi quay trở lại quỹ đạo công việc sau kỳ nghỉ.
– Ra ngoài gặp gỡ bạn bè, tránh ở nhà một mình trong thời gian dài. Các mối quan hệ tốt và lành mạnh đã được chứng minh là chìa khóa hạnh phúc của con người.
– Nếu stress hãy tâm sự với người bạn tin tưởng hoặc nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý.
– Vận động hợp lý, dành thời gian cho sở thích cá nhân để xả stress.
– Các bạn mới đi học/ đi làm có thể tận dụng khoảng thời gian này để tìm hiểu các thông tin, kỹ năng bổ ích, tăng level giúp các bạn quay trở lại và lợi hại hơn sau một kì nghỉ dài ngày nhé.
Cuộc sống sẽ không tránh khỏi những khi mệt mỏi hay yếu lòng, nhưng hy vọng các du học sinh của KAHA có đủ sức mạnh để vượt qua những thời điểm khó khăn ấy nhé!
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|