Được biết đến là một trong những đặc trưng của mùa mưa Nhật Bản, hoa cẩm tú cầu thường được trồng nhiều ở các ngôi chùa trên quốc đảo này với một mối liên hệ sâu sắc từ xa xưa.
Cẩm tú cầu có nguồn gốc từ Nhật Bản
Thuộc họ Hydrangeaceae, cẩm tú cầu là một loại cây bụi rụng lá, có nguồn gốc từ “gaku ajisai” (ガクアジサイ) – một loài thực vật đặc hữu của Nhật Bản. Hoa cẩm tú cầu đã xuất hiện tại xứ sở Phù Tang từ thời cổ đại và thường được sử dụng trong các nghi lễ Trà đạo.
Tuy nhiên, cẩm tú cầu chỉ bắt đầu trở nên phố biến ở Nhật Bản vào nửa sau thế kỉ 20. Sau Thế chiến II, hoa cẩm tú cầu được trồng nhiều ở các ngôi chùa đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch đến với đất nước mặt trời mọc.
Các tên gọi của hoa cẩm tú cầu
Hydrangea – danh pháp khoa học của hoa cẩm tú cầu có nghĩa là “bình nước”, bắt nguồn từ các từ trong tiếng Hy Lạp cổ là “hydros – nước” và “angos – bình”. Có giả thuyết cho rằng, cái tên này xuất phát từ việc cẩm tú cầu là loài cây ưa nước và cần được duy trì độ ẩm để có thể tươi tốt, khỏe mạnh và nở rộ.
Trong tiếng Nhật, cẩm tú cầu được gọi là “ajisai” và biểu thị bằng các chữ Kanji “紫陽花” (TỬ DƯƠNG HOA). Ngoài ra, người Nhật còn gọi chúng bằng những cái tên khác như “集真藍 – azusai” (TẬP CHÂN LAM, nghĩa là tập hợp màu chàm), “七変化 – shichihenge” (THẤT BIẾN HÓA, nghĩa là bảy thay đổi, xuất phát từ việc chuyển màu của hoa) hay “手毬花 – temaribana” (THỦ CẦU HOA, nghĩa là bông hoa có hình tròn giống như quả bóng temari).
Loài hoa có độc
Cần lưu ý rằng, dù là loài cẩm tú cầu nào thì mô hoa cũng có chứa glycoside cyanogen và được coi là có độc tính vừa phải. Vì vậy, hãy giữ những bông hoa xinh đẹp này tránh xa trẻ em và vật nuôi.
Màu sắc của cẩm tú cầu thay đổi như thế nào?
Sẽ không ngoa khi nói rằng, cẩm tú cầu là “chú tắc kè hoa” trong thế giới của những loài hoa. Về cơ bản, màu sắc của những bông tú cầu có thể thay đổi tùy theo độ pH của đất trồng. Nếu đất có tính axit, hoa sẽ có màu xanh, còn đất có tính kiềm, hoa sẽ có màu hồng.
Tuy nhiên, độ pH của đất chỉ là một yếu tố nhỏ ảnh hưởng đến màu sắc của hoa, thực tế điều này còn phụ thuộc vào các điều kiện khác như đất có chứa ion nhôm không, rễ cây có hấp thụ nhôm không và giống cây có khả năng chuyển màu không.
Mối liên hệ giữa hoa cẩm tú cầu và các ngôi chùa ở Nhật
Có những ngôi chùa ở Nhật Bản được mệnh danh là “chùa hoa cẩm tú cầu” (あじさい寺), trong đó nổi tiếng nhất là các chùa Meigetsu-in và Joju-in ở Kamakura, Yata-dera ở Nara, Kannon-ji và Sanzen-in ở Kyoto.
Vậy tại sao hoa cẩm tú cầu thường được trồng trong những ngôi chùa ở xứ sở Phù Tang?
Vào thời xa xưa, khi điều kiện y tế còn nhiều hạn chế, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột đặc trưng của mùa mưa đã khiến dịch bệnh lan rộng khắp nước Nhật, cướp đi mạng sống của nhiều người. Và cẩm tú cầu – loài hoa nở rộ đúng vào mùa mưa được trồng trong sân chùa để tưởng nhớ người đã khuất.
Ngôn ngữ của hoa cẩm tú cầu
Mỗi màu hoa cẩm tú cầu mang một ý nghĩa riêng. Cũng giống như hầu hết các loài hoa màu trắng, cẩm tú cầu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, duyên dáng và phong phú.
Trong khi, cẩm tú cầu màu hồng tượng trưng cho tình yêu, sự chân thật và cảm xúc chân thành; những bông hoa màu xanh lam là dấu hiệu của lòng biết ơn, sự tha thứ và thấu hiểu. Cẩm tú cầu màu tím thể hiện mong muốn được hiểu rõ hơn về ai đó, còn cẩm tú cầu xanh lá mang ý nghĩa đổi mới và tái sinh.
Ở Nhật Bản, hoa cẩm tú cầu thường gắn liền với lời xin lỗi. Truyền thuyết xưa của nước Nhật kể rằng, một vị hoàng đế đã tặng hoa cẩm tú cầu xanh cho người phụ nữ ông yêu như một lời xin lỗi chân thành vì đã bỏ rơi cô.
Ý nghĩa của hoa cũng tùy thuộc vào từng nền văn hóa. Ở châu Âu, cẩm tú cầu được xem là tượng trưng cho sự kiêu ngạo, phù phiếm và khoe khoang. Còn ở châu Á, nếu trao cho ai đó những bông cẩm tú cầu màu hồng, đồng nghĩa với việc bạn đang nói với đối phương rằng “bạn là nhịp đập của trái tim tôi”.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|