Khi nhắc đến Kimono (着物), nhiều người ắt hẳn sẽ nghĩ đến từ “duyên dáng”, bởi lẽ bộ Kimono ôm sát thân hình, được bao phủ bởi nhiều lớp vải sẽ khiến cho người mặc phải cẩn trọng hơn khi bước đi, họ không thể chạy, nhảy, nô đùa mà chỉ có thể đi một cách nhẹ nhàng, khoan thai. Vô hình chung, chính điều đó đã khiến cho các cô gái khi mặc Kimono trở nên dịu dàng và thanh tao hơn hẳn.
Tuy nhiên, một bộ Kimono đẹp không quyết định được việc bạn có trở nên duyên dáng hay không nếu như bạn vô tình phạm phải những quy tắc tối kị trong việc mặc bộ trang phục này.
Khác với Yukata, Kimono sẽ có nhiều phụ kiện và đòi hỏi nhiều quy tắc khi mặc hơn. Hãy cùng xem 4 quy tắc cần nhớ khi mặc Kimono nhé!
Phải trước, trái sau
Bạn luôn phải ghi nhớ câu thần chú này trong đầu mỗi khi mặc Kimono cũng như là Yukata. Đây là lỗi phổ biến nhất của những người không phải người Nhật. Một bộ Kimono và Yukata đúng chuẩn thì vạt áo bên trái LUÔN LUÔN phải che mặt phải, nghĩa là trong lúc mặc, bạn phải đặt vạt phải trước rồi mới đến vạt trái.
Tại sao phải tuân theo quy tắc này? Vì theo truyền thống ở Nhật, khi qua đời, người chết (là nữ) sẽ mặc Kimono, khi ấy, vạt áo bên phải sẽ che vạt áo trái. Đó là cách mà người Nhật dùng để phân biệt người còn sống và người đã qua đời, nên nếu không muốn bị hiểu nhầm thành xác sống thì bạn nhớ lưu ý quy tắc này nhé!
Để lộ phần gáy
Đây cũng là lỗi thường gặp cho những người lần đầu mặc Kimono. Nguyên tắc cơ bản khi mặc Kimono là phải che kín cơ thể, tuy nhiên, điều này lại không áp dụng cho phần gáy. Với người Nhật, đây là bộ phận quyến rũ nhất của người phụ nữ, một cô gái với phần cổ thon thả lộ ra dưới phần tóc được bới cao sẽ được xem là điểm “hút mắt”, thể hiện sự duyên dáng tại đất nước mặt trời mọc.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy trang phục của Geisha có phần cổ áo phía sau được để lộ sâu hơn các bộ Kimono thông thường. Nhưng hãy nhớ “điều gì cũng có giới hạn”, chúng ta chỉ dừng lại ở việc để lộ phần gáy, tuyệt đối không kéo sâu hơn để lộ ra phần lưng vì đó không chỉ phá hủy bộ Kimono mà còn khiến bạn trở nên lố bịch trong mắt mọi người.
Ngồi đúng tư thế
Nhiều người hài hước cho rằng ngồi trong bộ Kimono là một trong những thử thách khó khăn trên thế giới. Khi mặc Kimono, hãy đảm bảo tư thế ngồi của bạn như trong hình bên dưới nhé. Để có một tư thế ngồi chuẩn, hãy làm theo các bước sau đây:
- B1: Bạn nên quỳ xuống bằng hai chân, hạ đầu gối xuống trước.
- B2: Khi đầu gối đã chạm xuống đất, hướng hai bàn chân ra ngoài để nâng đỡ trọng lượng cơ thể.
Đối với những người lần đầu tiên ngồi khi mặc Kimono, điều này có thể là một thách thức, nhưng không thể phủ nhận là tư thế ngồi này sẽ khiến bạn trông duyên dáng hơn.
Đi bộ chậm
Đi bộ là một khía cạnh khác mà bạn nên chú ý khi mặc Kimono dạo phố. Lúc bước đi, bạn nên đảm bảo rằng hai chân luôn được giữ gần nhau, bước từng bước nhỏ, chậm rãi. Điều này sẽ giúp bạn bước đi một cách duyên dáng và hạn chế bị té ngã.
Trang trọng và giản dị
Cùng một cách mặc, nhưng tùy vào hoàn cảnh mà chúng ta sẽ lựa chọn bộ Kimono phù hợp. Với bộ Kimono được sử dụng cho các sự kiện có tính chất trang trọng thì chất liệu để làm nên bộ Kimono đó thường là lụa hoặc vải bóng, trang trí chỉ vàng hoặc thêu hoa văn. Nếu bộ Kimono nào được làm từ vải trơn hoặc in hoa, không thêu và không phải vải bóng thì có thể đó là một bộ Kimono mặc thường ngày.
Luôn thắt Obi (帯) sau lưng
Obi được hiểu là một loại thắt lưng dùng cho Kimono hoặc những bộ đồ truyền thống của Nhật Bản, có thể làm từ nhiều chất liệu và kích thước khác nhau. Nhưng điểm cần lưu ý trong việc thắt Obi đó là phần nút thắt musubi của Obi sẽ phải để phía sau lưng, vì nếu thắt ở phía trước, bạn sẽ bị lầm tưởng là kỹ nữ Oiran đang làm việc ở khu đèn đỏ. Vì vậy, hãy đảm bảo tuân thủ đúng các quy tắc mặc Kimono để không gặp những sự cố đáng tiếc nhé!
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|