CÁC MÓN TRÁNG MIỆNG ÍT CALO DÀNH CHO NGƯỜI ĂN KIÊNG

 

Đồ ngọt, bánh kẹo là “kẻ thù” của những người đang giảm cân, và điểm đặc trưng của các loại bánh Nhật là hương vị khá ngọt. Nhưng ngày nay, ăn uống kiêng cữ khắt khe không còn là châm ngôn của việc giảm cân, mà chính sự thoải mái khi sáng tạo ra những món ăn ngon có lượng calo phù hợp mới giúp bạn duy trì được chế độ ăn kiêng của mình.

Dưới đây là những món tráng miệng quen thuộc của người Nhật nhưng chứa ít calo, ít ngọt và tốt cho sức khỏe.

 

1. Kanten: Thạch rau câu

“Kanten – 寒” là bột rau câu Nhật Bản, hay có tên gọi khác là Agar trong tiếng Anh, do Mino Tarozaemon – một chủ quán trọ sáng tạo ra. Vì nguyên liệu chính là tảo agarophytes (một loại rong biển) và tảo đỏ mà Kanten sẽ có lượng calo gần như bằng 0. Đồng thời nó có tác dụng như một chất nhuận tràng, ức chế sự thèm ăn và có thể được dùng thay thế cho gelatin đối với những ai ăn chay…

Loại thạch này có màu trong suốt, giàu chất xơ, chứa canxi và sắt. Phụ nữ Nhật Bản thích ăn những món được chế biến từ Kanten khi họ muốn giảm cân vì vẫn có cảm giác ngon miệng nhưng no lâu, không chứa calo. Bạn có thể tìm thấy Kanten trong các loại thạch trái cây hoặc trong các loại bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản như Yokan – một loại thạch làm từ bột đậu đỏ, hay Mochi trong suốt (Shingen mochi) từng gây “bão” một thời gian.

Nhưng lưu ý rằng bạn nên lựa chọn kĩ càng các loại sốt hay topping đi kèm vì có thể chúng sẽ chứa nhiều đường.

 

2. Kuzu: Bột sắn dây

“Kuzu – くず” là một chất làm đông với thành phần chính là bột sắn dây – nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời. Nó cũng được biết đến với tác dụng giảm huyết áp cao, điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm chứng đau nửa đầu, chuột rút…

Một trong những món tráng miệng phổ biến nhất của Nhật Bản sử dụng Kuzu là “Kuzukiri – くずきり”, trông giống như những sợi mì dài trong suốt nhúng trong “súp” ngọt lạnh làm từ đường nâu (nhưng hãy nhớ giảm lượng đường nếu bạn đang ăn kiêng nhé!).

Đây là một món tráng miệng tuyệt vời cho hệ tiêu hóa và có thể dễ dàng tìm thấy ở hầu hết các cửa hàng tiện lợi hay quán cà phê kiểu Nhật. Nếu thích, bạn hoàn toàn có thể tự làm Kuzukiri tại nhà để có thể kiểm soát được lượng nguyên liệu, đảm bảo không vượt quá mức calo cho phép.

3. Mè đen

Một thành phần tuyệt vời khác được nhiều người coi là “siêu thực phẩm”, đó chính là mè đen “Kurogoma – 黒ごま”. Theo Đông y, mè đen có tác dụng làm ấm cơ thể – một điều kiện quan trọng để tuần hoàn máu khỏe mạnh, và giữ cho tóc lâu bạc. Chúng cũng giàu chất xơ, vitamin B, sắt và magiê…

Nếu bạn thấy kem mè đen được bán, hãy cho nó một cơ hội. Kem mè đen mang hương vị hấp dẫn tuyệt vời, cân bằng giữa vị ngọt của sữa và vị thơm bùi của mè. Hoặc mè đen cũng có thể là nguyên liệu tạo nên món pudding thơm mềm.

Nếu làm tại nhà, bạn có thể làm thử kem “dã chiến” bằng cách thay thể kem béo và đường thành sữa chua không đường và mật ong. Dù hương vị không thể giống hệt bản gốc nhưng lại là một món ngon miệng và ít béo.

Đối với pudding mè đen, có thể thay sữa bò thành sữa hạt và gelatin thành Kanten để món ăn “healthy” hơn.

 

4. Azuki: đậu đỏ

Có thể nói đậu đỏ – Azuki  là “linh hồn” của các món ngọt Nhật. Sự bổ dưỡng của các loại đậu là không thể bàn cãi, đơn cử như đậu đỏ có nhiều chất xơ và ít calo nên giúp no lâu, chứa nhiều protein giúp làm chậm quá trình hấp thu đường, khiến lượng đường trong máu không tăng đột biến.

Đậu Azuki ( あずき) được tìm thấy trong nhiều món tráng miệng truyền thống của Nhật, đặc biệt là “Daifuku – 大福”, một viên mochi tròn mềm với nhân đậu đỏ. Bạn thường có thể chọn giữa Tsubu-an (đậu không tán nhuyễn) hoặc Koshi-an (đậu nấu chín và tán mịn).

Nếu muốn tăng thêm phần tốt cho sức khỏe, hãy thử Yomogi Daifuku màu xanh lá cây. Phần vỏ của loại bánh này được gọi là Kusamochi, nghĩa đen là “mochi cỏ”, với nguyên liệu chính là lá ngải cứu Nhật Bản.

Lưu ý dù đậu đỏ có nhiều công dụng tốt nhưng đậu trong các món tráng miệng chuẩn truyền thống Nhật sẽ khá ngọt do được trộn với nhiều đường. Vì vậy, hãy cân nhắc khi thưởng thức món này ở quán nhé!

 

5. Kinako: bột đậu nành

“Kinako – きな粉” là một loại bột màu nâu nhạt được làm từ đậu nành. Dĩ nhiên, nó có tất cả các lợi ích sức khỏe của đậu nành như chứa nhiều isoflavone, protein, chất xơ và canxi. Vị thơm bùi của đậu nành tạo thêm hương vị hấp dẫn khi rắc lên trên các món tráng miệng của Nhật Bản: Kakigori (đá bào), sữa chua và thậm chí là bánh mì nướng. Đừng quên thưởng thức Warabimochi – một loại bánh Wagashi với lớp bột đậu nành phủ quanh.

Bạn thậm chí có thể kết hợp nó với một số món ăn khác đã được đề cập ở trên như Kanten hoặc Kuzumochi để tăng lượng dinh dưỡng hoặc tạo ra đa dạng các món tráng miệng hơn.

 

Nguồn: Kilala

Mọi thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP TÁC QUỐC TẾ KAHA

✓ Địa chỉ: Số 5.34 Khu đô thị Khai Sơn, Phường Thượng Thanh, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội

✓ Hotline: 0977 629 439 

✓ Website: https://www.facebook.com/duhockaha

✓ Facebook: https://www.facebook.com/duhockaha

close-link
0977.629.439