Có rất nhiều lựa chọn về nơi ở ở Nhật Bản nhưng có thể không phải phương án nào cũng phù hợp với bạn. Trước khi tự mình tìm kiếm, hãy liên hệ với văn phòng sinh viên quốc tế của trường để hỏi xem loại nhà ở nào là tốt nhất cho bạn. Nhiều chương trình quốc tế sẽ cung cấp nơi ở với giá hợp lý cho sinh viên và thậm chí còn hỗ trợ tìm nhà nếu bạn cần. Với các bạn du học sinh Nhật, các bạn nên tham khảo ý kiến của giáo viên hoặc người thân, bạn bè người Nhật để có thể tìm được một căn hộ vừa ý mình.
Các loại nhà ở
- Ký túc xá
- Homestay
- Nhà riêng
- Nhà Gaijin
1. Ký túc xá
Ký túc xá (寮 hay 寄宿舎) là chỗ ở giá rẻ dành cho sinh viên, thường là những sinh viên mới sang Nhật chưa có khả năng tự tìm nhà, hoặc những học sinh ở xa, có hoàn cảnh khó khăn. Điểm khác lớn nhất của KTX ở Nhật so với Việt Nam là mỗi sinh viên có một phòng riêng (ワンルーム) có đầy nội thất, như giường, tủ quần áo, bàn ghế, giá sách, tủ lạnh, điều hòa, phòng vệ sinh, bồn rửa mặt… Tùy theo từng KTX mà có phòng tắm, bếp nấu ở trong phòng, hay dùng chung (共用). KTX thường ở gần chỗ học và có 2 loại: KTX quốc tế – chỉ có lưu học sinh, KTX bình thường – gồm cả sinh viên Nhật. Thời gian tối đa được ở trong ký túc thường là 2 năm, có một số nơi chỉ được ở 1 năm.
– Điểm cộng
- Giá rẻ: Thông thường tiền nhà một tháng ở ký túc chỉ khoảng 5,000 ~ 30,000 (yên), rẻ hơn hơn rất nhiều so với thuê nhà riêng ở ngoài (khoảng 40,000~60,000 yên/tháng). Đây là một khoản tiết kiệm đáng kể, nhất là đối với những bạn sinh viên tư phí, không có học bổng. Không chỉ có vậy, giá điện, nước cũng được ưu đãi, rẻ hơn thông thường tương đối nhiều. Một số KTX còn có chế độ houdai (放題), chỉ cần nộp một khoản tiền nhất định bạn có thể sử dụng điện nước thoải mái, nhưng những KTX như vậy giá khá là đắt.
- Ngoài ra, khi vào KTX, lúc đầu bạn chỉ mất một khoản tiền nhỏ để bảo hiểm, sửa chữa, làm sạch trang thiết bị khi dọn ra khỏi KTX, thay vì mất từ 1 tới vài tháng tiền nhà cho tiền dịch vụ (手数料), tiền lễ (礼金) và tiền bảo hiểm (敷金) như khi thuê nhà riêng.
- Trang thiết bị đầy đủ
* Lưu ý: Khi thuê một căn hộ riêng, bạn không chỉ phải lo nghĩ về giá nhà, mà còn phải tính xem cần những đồ đạc gì? mất bao nhiêu tiền? trong khi hầu bao thì hạn hẹp. Nhưng khi ở KTX, bạn sẽ không phải lo nghĩ về những điều đó, vì bạn đã có gần như đầy đủ những trang thiết bị cần thiết. Đồ dùng gồm có: bàn ghế, giá sách, giường, tủ quần áo, tủ để giày dép,… Đồ điện tử gồm có: máy điều hòa, tủ lạnh, bếp điện hoặc từ, đèn chiếu sáng. Nội thất: toilet, bồn tắm (trong phòng hoặc dùng chung), bồn rửa mặt, bếp nấu (trong phòng hoặc dùng chung), ban công (để phơi đồ, trồng cây).
- Cộng đồng sinh viên
Đây là một ưu điểm nổi bật khi bạn ở trong KTX quốc tế. Ở đó, bạn có thể gặp gỡ, giao lưu với sinh viên đến từ nhiều nước khác nhau. Vì là sinh viên, mà lại cùng là người nước ngoài, nên hầu hết đều rất cởi mở, thoải mái. Đấy là cơ hội rất lớn để bạn tìm hiểu về đất nước, văn hóa, con người của nhiều quốc gia khác nhau, cũng như rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ. Vào những dịp lễ, kỳ nghỉ (Xuân, Hạ, Đông), KTX thường có những hoạt động chung như: tiệc chào mừng (welcome party), ngắm hoa (hanami), ngắm pháo hoa (hanabi), trượt tuyết, new year party, đi du lịch (合宿),… Tất cả những điều đó sẽ tạo nên những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời sinh viên. - Khuôn viên KTX: Với những KTX lớn, trong khuôn viên còn có:
– Hội trường: nơi tổ chức các sự kiện chung.
– Phòng âm nhạc: nơi dành cho những bạn yêu thích âm nhạc.
– Công viên: nơi đi dạo, thư dãn.
– Nhà thể thao: bóng bàn, cầu lông, bóng đá, bóng rổ, bơi lội
– Điểm trừ
- An ninh : Trong thời gian gần đây, vấn đề an ninh đang gia tăng trong KTX ở Nhật, nhất là nạn trộm cắp và xâm hại tình dục. Trộm cắp có: trộm cắp tiền bạc, trộm cắp đồ dùng, có khi cả trộm đồ lót. Xâm hại tình dục có: quay trộm, thực hiện hành vi xấu lúc vắng người. Nhưng vấn đề đang được cải thiện bằng cách thiết lập các camera an ninh, cùng với gia tăng lực lượng tuần tra.
- Va chạm trong cuộc sống hàng ngày: Đây là điều tất yếu, không thể tránh khỏi. Những mâu thuẫn có thể này sinh từ những việc rất nhỏ như ồn ào, không dọn dẹp sạch sẽ bếp chung,… đến việc lớn như trộm cắp, mâu thuẫn dân tộc. Tuy nhiên, trong mọi tình huống tốt nhất nên học theo các cụ đã dạy là “dĩ hòa vi quý”. Trong trường hợp tự mình không thể giải quyết có thể nhờ đến Ban quản lý KTX, hoặc cảnh sát.
- Hạn chế bạn bè: Tất cả các KTX đều có quy định chung: bạn bè không được ở qua đêm. Có những chỗ còn giới hạn chỉ có bạn nam, hoặc nữ mới được vào. Nhưng đa phần đều khá thoải mái, nếu không gây ảnh hưởng tới phòng bên cạnh, hay không bị người trong ký túc phát giác.
2. Homestay
Như các bạn đã biết homestay là hình thức ở cùng nhà với người dân bản địa. Chính vì đặc điểm đó các bạn có cơ hội học tiếp xúc và tìm hiểu về truyền thống văn hóa Nhật, phong tục tập quán hàng ngày của người bản địa. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian ở cùng người Nhật, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc giao tiếp trực tiếp với người Nhật, được sử dụng tiếng Nhật hàng ngày là cơ hội rất tốt để tăng khả năng nói tiếng Nhật cũng như tích lũy vốn từ vựng tiếng Nhật cho mình.
– Điểm cộng
- Ở homestay, bạn sẽ hiểu được và bật ra nhiều tiếng Nhật hơn bạn nghĩ rất nhiều. Sẽ chẳng có ai ở đó để phiên dịch hay giúp bạn khi bạn bối rối hay gặp vấn đề về việc bày tỏ suy nghĩ của mình. Đây chính là cách luyện tập tuyệt vời và tôi biết là khả năng tiếng Nhật của tôi và cả sự tự tin nữa đều đã tăng vọt sau khi ở homestay”.
- Ngoài ra, khi được ở nhà cùng người dân bản địa du học sinh rất được ưu ái, chăm sóc vì người Nhật rất chu đảo. Một phần cũng là do khi nhà trường, hoặc những người giới thiệu dịch vụ homestay sẽ kiểm tra, xem xét rất kỹ về cuộc sống của những gia đình người bản xứ trước, nếu thấy thực sự tốt mới giới thiệu cho du học sinh.
– Điểm trừ
- Tuy nhiên, dù sống trong một môi trường thân thiện, nhưng du học sinh cũng cần nhớ một vài quy tắc khi sống homestay. Những nguyên tắc hàng đầu các bạn cần phải nhớ như: thông báo cho gia đình mà bạn sống cùng nếu bạn không ăn cơm ở nhà; thường xuyên giúp đỡ gia đình những việc vặt ví dụ: nấu ăn, lau nhà; giữ phòng bạn sạch sẽ ngăn nắp và xếp gọn; luôn luôn có thái độ lễ phép, lịch sự, thân thiện và quý trọng tài sản của gia đình; khi muốn mời bạn về nhà chơi phải xin phép gia đình homestay; chuyện tiền trọ hay các khoản sinh hoạt phí bạn cũng nên đóng đều đặn và đúng hạn để thể hiện sự tôn trọng…
Homestay là một cách rất tốt để bản thân có thể thích nghi với cuộc sống tại Nhật Bản khi mình sẽ ở Nhật để học tập. Bạn sẽ được thử sức với những thứ rất thú vị mà ở Việt Nam bạn sẽ chẳng bao giờ được thử sức, gặp những người rất thú vị và có thêm nhiều bạn mới.
3. Nhà riêng
Bạn sẽ luôn có thể tìm nhà riêng cho mình trong thời gian học tập tại Nhật, và phương án tự thuê nhà là khá phổ biến với những sinh viên, du học sinh đã sang nhật được một thời gian khi đã lớn hơn và độc lập hơn. Đây cũng là lựa chọn phổ biến nhất cho sinh viên Nhật Bản (khoảng 70% sinh viên đều sống ngoài khuôn viên trường), nhưng để tìm được nhà ưng ý và hợp hầu bao, đôi khi bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian đấy!
– Điểm cộng
- Thoải mái,tự do vì có không gian riêng tư
- Giúp bạn nâng cao khả năng độc lập, tự chủ và quản lý tiền bạc
- Không bị quản lý về thời gian và có thể cho bạn bè, người thân ở lại
* Lưu ý khi chọn thuê nhà ở Nhật
Nhà ở Nhật chia làm hai loại: washitsu và youshitsu, washitsu là kiểu nhà truyền thống của Nhật, sàn lát bằng tatami (một loại chiếu Nhật), cửa và vách tường được dán giấy. Youshitsu là kiểu nhà phương Tây, sàn lát gỗ, nói chung là giống nhà bình thường ở Việt Nam. Chọn washitsu hay youshitsu là tùy theo sở thích của mỗi người, tuy nhiên lưu ý đối với washitsu, mùa hè độ ẩm cao, nếu không thường xuyên lau chùi thì tatami dễ ẩm mốc, cửa và vách tường làm bằng giấy nên cách âm không cao, tất nhiên cách nhiệt cũng không tốt, mùa hè có thể mát nhưng mùa đông có thể rất lạnh
- Kiểm tra trực tiếp trang thiết bị trong nhà và môi trường xung quanh nhà cần thuê. Bạn đừng nên tin vào những lời quảng cáo hay giới thiệu mà hãy đến xem trực tiếp và kiểm tra thật cẩn thận trong và ngoài ngôi nhà đã rồi hãy quyết định có nên thuê hay không.
- Biết chính xác xem chủ nhà là ai và phải ký hợp đồng trực tiếp với chủ nhà, tránh tình trạng khi ký hợp đồng với người đang thuê trong nhà đó, về sau chủ nhà không chấp nhập hợp đồng này và không trả lại tiền đặt cọc. Bạn cũng có thể yêu cầu chủ nhà xem các giấy tờ xác minh quyền sở hữu của họ đối với ngôi nhà để tránh các sự việc rắc rối về sau.
- Một điều chú ý nữa khi kí hợp đồng thuê nhà trọ ở Nhật là vấn đề người bão lãnh ( hoshounin) . Bạn có thể liên hệ với trường đang học để nhờ phía trường làm người bảo lãnh, nếu đồng ý được phía trường học làm người bảo lãnh thì bạn còn phải thương thuyết với phía fudousan xem chủ nhà có chấp nhận trường học làm người bảo lãnh hay không. Trong trường hợp không thể tìm được người bảo lãnh thích hợp, hiện nay, các công ty fudousan có dịch vụ đứng ra nhận là người bảo lãnh cho người nước ngoài với giá tiền khoảng bằng 2 đến 3 tháng tiền nhà (giống như một dạng bảo hiểm).
– Điểm trừ
- Chi phí, kí kết hợp đồng thuê nhà trọ ở Nhật: Về giá cả, bạn phải biết Nhật là một trong những đất nước đắt đỏ nhất thế giới, và đặc biệt là các thành phố lớn như Tokyo, nên việc giá cả thuê nhà ở đây gấp 5, thậm chí 10 lần so với ở Việt Nam là chuyện hoàn toàn bình thường .
Bạn sẽ phải trả 1 số khoản phí có thể hoặc không thể hoàn lại thường thì tổng cộng có thể lên đến 3 đến 10 tháng tiền nhà, phụ thuộc vào từng công ty và căn nhà bạn muốn thuê.
- Tiền đặt chỗ (Tetsukekin): Tiền đặt chỗ được trả khi bạn quyết định thuê 1 căn hộ và phải trả trước khi ký hợp đồng thuê nhà. Nó bảo đảm rằng ngôi nhà đã được thuê và ko còn có sẵn nữa. Tiền này sẽ được hoàn lại sau khi hợp đồng thuê nhà được ký và thường là sẽ bằng tiền thuê nhà 1 tháng.
- Tiền đặt cọc (Shikikin): Tiền đặt cọc thường được dùng để chi trả cho các hư hỏng trong quá trình sử dụng. Sau khi trừ đi chi phí tu sửa, số tiền còn lại sẽ được trả lại khi bạn rời đi. Tiền đặt cọc thường sẽ tương đương với vài tháng tiền nhà.
- Tiền thù lao (Reikin): Đây là khoản tiền không hoàn lại đóng cho chủ nhà thường là vào khoảng vài tháng thuê nhà.
- Phí dịch vụ (Chukai tesuryo): Đây là khoản tiền không hoàn lại chi cho các công ty bất động sản, có giá trị tương đương với khoảng 1 tháng tiền nhà.
- Ngoài ra bạn cũng phải chú ý, theo chế độ hợp đồng thuê nhà hoặc ký túc xá, những người không có tên trong hợp đồng sẽ không được sống chung với bạn. Vì vậy, khi chưa được phép của chủ nhà, bạn không được tự ý đến ở lại nhà của một người bạn hoặc đưa một người bạn về sống chung tại nhà của mình. Bạn phải hỏi ý kiến chủ nhà khi quyết định làm việc này.
4. Nhà Gaijin
Nếu bạn dự định chỉ sống ở Nhật trong thời gian ngắn – từ vài tuần đến vài tháng – thì đây là lựa chọn tốt nhất cho bạn. Những nhà này thường không đắt đỏ như căn hộ riêng (nhưng có thể chúng không hiện đại cho lắm). Đôi khi, nhà Gaijin cung cấp các căn hộ đơn hoặc phòng cho thuê với nhà bếp và phòng tắm chung.
Bốn mẹo tìm nơi ở
– Biết ngân sách của mình. Nhà ở đang ngày càng đắt đỏ, hãy chắc chắn bạn biết mình sẽ chi bao nhiêu mỗi tháng cho nhà ở và sinh hoạt
– Cẩn trọng với những khoản phát sinh. Nếu bạn thuê nhà riêng, bạn sẽ phải tự trả tiền thực phẩm, chi phí đi lại cùng với những chi phi khác.
– Tìm xung quanh. Tìm kiếm nơi ở là việc rất quan trọng, vì vậy đừng vội vàng mà hãy tìm xung quanh, xem xét những lựa chọn khác nhau để tìm cho mình nơi tốt và phù hợp nhất.
– Bắt đầu tìm kiếm thật sớm. Có thể sẽ rất căng thẳng khi tìm nhà với khoảng thời gian gấp gáp, vì thế, hãy đảm bảo bạn bắt đầu tìm kiếm càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là ngay khi bạn biết mình sẽ sống ở Nhật nhiều hơn một vài tháng.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
|