Chắc hẳn với các bạn du học sinh tương lai, việc bắt đầu cuộc sống ở một đất nước mới sẽ khiến cho các bạn có nhiều lo lắng, băn khoăn bên cạnh sự háo hức chờ mong để được khám phá một chân trời mới. Một trong những vấn đề mà phần lớn các bạn vô cùng quan tâm đó chính là về chỗ ở. Có những dạng nhà ở nào tại Đức? Mức phí thuê nhà thông thường sẽ dao động trong khoản nào? Nhà sẽ có sẵn đồ hay bạn phải sắm sửa từ đầu?…v.v Bài viết này của KAHA sẽ giải đáp những thắc mắc đó của các bạn!
Phần lớn các bạn du học sinh tại Đức nếu không sinh sống cùng người thân thì sẽ có 2 lựa chọn chính là ký túc xá (công và tư) và thuê nhà bên ngoài. Với cả 2 lựa chọn này, các dạng phòng phổ biến sẽ là phòng riêng trong căn hộ chung, phòng đôi trong căn hộ chung hoặc căn hộ studio (dạng căn hộ khép kín dành cho 1 người hoặc cặp đôi) và có phần ít phổ biến hơn là với dạng thuê bên ngoài, bạn cũng có thể chọn dạng ở chung với chủ (nhà hoặc căn hộ còn trống phòng và người chủ cho thuê lại, bạn sẽ sử dụng chung bếp và nhà tắm với gia đình chủ).
Ngoài ra, trong trường hợp cấp bách cần phòng ở trong một thời gian ngắn, dạng nhà thuê tạm thời ( Zwischenmiete) thường sẽ kéo dài từ 1-6 tháng, tuy nhiên bạn thường sẽ không thể đăng ký thường trú (Anmeldung) khi thuê dạng nhà này. Với nhà thuê ngoài, thông thường cũng sẽ được phân ra làm 2 dạng là nhà đã có nội thất và nhà không có nội thất.
I. Các dạng cho thuê nhà ở Đức
1. Ký túc xá
Ký túc xá có lẽ luôn là lựa chọn hoàn hảo nhất với mọi bạn sinh viên bởi những ưu điểm như giá thuê rẻ, an toàn, và cũng rất dễ kết bạn bởi môi trường sinh viên và thông thường cũng đậm chất quốc tế. Tuy nhiên cũng chính vì điều này mà nhu cầu đăng kí ở ký túc xá là rất cao, ở các thành phố lớn, thông thường bạn cần đợi 1-2 kì trước khi đến lượt nhận phòng ở ký túc xá. Dù là ký túc xá công hay tư, các dạng phòng phổ biến cũng là phòng riêng trong căn hộ chung (Einzelzimmer in WG), phòng đôi ( Doppelzimmer) hoặc căn hộ nhỏ khép kín (Einzelappartment).
Dạng căn hộ nhỏ khép kín sẽ là dạng khó có cơ hội thuê nhất bởi thường các ký túc xá sẽ ưu tiên dạng nhà này cho các đôi vợ chồng có con nhỏ. Với dạng phòng riêng trong căn hộ chung, thường sẽ là dạng căn hộ chung cho 2,3,4, hoặc 6 người. Bạn sẽ sử dụng chung bếp lớn và nhà tắm (thường có ít nhất 2) với các bạn cùng nhà, có thể là căn hộ chỉ cho nữ, chỉ cho nam, hoặc dạng mix. Nếu đông hơn, ví dụ như với 10 người, các bạn sẽ sử dụng chung một tầng ký túc xá, khu vực bếp lớn sẽ nằm riêng biệt, là một phòng to với 2 hoặc 4 khu bếp cũng như tủ lạnh dùng chung cho các phòng, tương tự với khu vực nhà tắm có thể ở một khu riêng biệt hoặc đôi lúc bạn sẽ có một phòng vệ sinh nhỏ ngay trong phòng riêng của mình.
Ở tầng hầm các khu ký túc xá thường có phòng giặt sấy mà bạn có thể chi trả bằng tiền trong thẻ sinh viên của mình để sử dụng. Nếu bạn thực sự muốn ở ký túc xá, hãy đăng kí ngay trong lúc chuẩn bị hồ sơ cho trường đại học đó vì thủ tục khá nhanh gọn, bạn cũng không mất lệ phí gì cả, và nếu bạn không lựa chọn đại học đó thì việc đăng kí này cũng được tự động hủy sau đó. Ký túc xá tư cũng là một lựa chọn không tồi, tuy nhiên giá thuê sẽ nhỉnh hơn đôi chút với dạng ký túc xá công. Gía thuê ký túc xá sẽ dao động từ mức 200 Euro tới khoảng 400 Euro tùy thành phố và tùy dạng phòng.
2. Nhà thuê ở ngoài
Trong thời gian chờ đợi phòng ở ký túc xá, sự lựa chọn còn lại của các bạn đó là sẽ tìm nhà thuê ở ngoài. Thông thường bạn có thể tìm nhà ở các trang phổ biến như wg gesucht, immobilienscout24 hay trên các group trên mạng xã hội như Facebook. Có những trường hợp khi thuê nhà ở ngoài bạn cần chấp nhận việc bạn chỉ thuê được phòng ở và không đăng ký thường trú (Anmeldung) với căn phòng đó được. Lúc này thông thường các bạn sinh viên sẽ làm thủ tục đăng ký thường trú tại nhà người thân hoặc ở một căn hộ khác, với một chút phí hàng tháng cho việc này.
Ngoài ra, trong trường hợp bạn muốn thuê nhà của người Đức, bộ hồ sơ ứng tuyển thuê nhà của bạn cũng cần rất nhiều giấy tờ, quan trọng nhất thường sẽ yêu cầu bảng lương và hợp đồng lao động, đây chính là bất lợi lớn nhất của các bạn sinh viên, bên cạnh đó thông thường số người nộp hồ sơ và muốn thuê nhà cũng lên tới vài chục người bởi nhu cầu tìm nhà ở Đức luôn tăng cao. Một điều khác bạn cũng nên chú ý đó là việc nhà đã có sẵn nội thất hay chưa.
Nếu chưa, bạn cần sắm sửa mọi thứ từ đầu ( đôi khi là phải lắp đặt cả hệ thống bếp mới) và điều này có lẽ hơi quá sức với các bạn du học sinh mới sang. Sau khi bạn dọn ra, bạn cần mang toàn bộ đồ nội thất đi và trả lại nguyên hiện trạng nhà trống ban đầu cho chủ, điều này cũng khá mất công khi việc vất rác nội thất của Đức (nếu cần thiết) cũng sẽ tốn thêm một khoản và thủ tục cũng có chút phức tạp.
3. Nhà thuê tạm thời
Trong trường hợp bạn thực sự cần chỗ ở ngay lập tức mà không muốn tiêu tốn quá nhiều tiền cho khách sạn thì nhà thuê tạm thời sẽ là giải pháp cho bạn. Trong thời gian ở chỗ ở tạm thời này bạn cũng có thể tiếp tục tìm kiếm những căn hộ cho thuê lâu dài khác. Dạng nhà thuê tạm thời này thường là do các bạn du học sinh trở về nước thăm nhà hoặc đang bắt đầu kỳ thực tập tại một thành phố khác, hoặc đang tham gia một kỳ học trao đổi ở nước ngoài nên có phòng trống một thời gian.
Phòng thường sẽ có sẵn đủ tiện nghi và bạn không cần sắm sửa thêm gì cả. Giá phòng cũng sẽ thấp hơn với thông thường vì bạn chỉ có thể ở tạm thời cũng như trong phần lớn các trường hợp sẽ không thể đăng ký thường trú (Anmeldung). Bạn có thể tìm thấy dạng nhà thuê này nhiều hơn trên các mạng xã hội và đặc biệt là trong các hội nhóm học sinh.
II. Việc thuê nhà ở Đức diễn ra như thế nào?
Tìm thuê nhà chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng với các bạn sinh viên mới vào đại học. Với du học sinh thì nó lại càng là một hành trình gian nan khi bạn chân ướt chân ráo tới một đất nước xa lạ. Cùng tìm hiểu việc thuê nhà ở Đức diễn ra như thế nào nhé.
CHUẨN BỊ TINH THẦN “TỰ THÂN VẬN ĐỘNG”
Trước khi bắt đầu vào hành trình gian nan này, bạn hãy chuẩn bị cho mình một tinh thần thép, và ý chí thật chủ động bởi mọi người bên ngoài khó mà có thể giúp bạn được. Hãy xác định trước rằng rất khó để tìm được căn nhà đẹp như mơ, nội thất mới tinh nhưng lại có giá “hạt rẻ”. Bạn phải có sẵn cho mình tinh thần ở nhà không như ý lắm nhưng vừa với phần kinh phí cho bản thân có. Và bạn phải luôn chủ động tìm kiếm để giúp mình có thật nhiều lựa chọn và trong những lựa chọn đó bạn sẽ tìm được cho mình một ngôi nhà ưng ý. Nên nhớ rằng, ban đầu thì ở đâu cũng được, miễn là có nhà, ở tạm thời gian đó rồi sau này tìm nhà ưng ý sau.
CHUẨN BỊ SẴN MỘT KẾ HOẠCH CHI TIẾT CHO BẢN THÂN
Để không bị ngợp thông tin khi đi xem quá nhiều nhà rồi bạn khó ra được quyết định thì bạn cần có cho mình một kế hoạch cụ thể chi tiết trước khi đi tìm nhà. Hãy đặt cho mình câu hỏi thật là thực tế:
- Mình muốn ở kiểu nhà nào?
- Mình có bao nhiêu tiền để chi cho việc đặt cọc nhà, thuê nhà hàng tháng?
- Mình muốn ở khu vực nào, khu vực trung tâm hay vùng ngoại ô xa?
- Mình cần những nội thất nào trong căn nhà của mình?
- Mình nên nhờ ai, thảm khảo kênh nào khi bắt đầu tìm nhà?
Nếu bạn trả lời được hết những câu hỏi trên là bạn đã có cho bản thân mình một kế hoạch khá chi tiết về ngôi nhà bạn sẽ ở khi đến Đức rồi đó và giờ chúng ta bắt đầu hành trình tìm nhà thôi.
BẠN CÓ THỂ TÌM TIN CHO THUÊ NHÀ Ở ĐÂU
Google luôn là lựa chọn hàng đầu để tìm kiếm một thông tin nào đó, thuê nhà cũng không phải ngoại lệ. Hãy tìm kiếm các từ khóa liên quan tới thuê nhà và khu vực bạn ở, Google sẽ cho rất nhiều lựa chọn cho bạn. Một số từ khóa gợi ý là: 1-zimmer-wohnung, WG, Studentenwohnung in + tên thành phố hoặc immobilien zeitung + tên thành phố, tên vùng, tên bang (tìm trên báo).
Khi sử dụng các website nhà, công thức chung dành cho bạn là chọn thành phố bạn ở, chọn khoảng giá, chọn khoảng cách từ nơi ở đến trường (Kreis). Dưới đây là một số trang web uy tín để bạn tham khảo:
- Nhà 1-zimmer-wohnung:
- www.meinestadt.de
- www.immobilienscount24.de
- www.immowelt.de
- www.immonet.de
- www.ebaykleinanzeige.de (trang tin rao vặt có nhà cho thuê, có vật dụng cũ gebrauchte Möbeln trong nhà bán với giá rẻ thậm chí còn zum Verschenken (tặng miễn phí) rất hữu ích cho bạn mới sang).
2. Nhà WG:
Các hội nhóm như hội người Việt có ở khắp các thành phố tại Đức, hội sinh viên Việt Nam, hội đồng hương, hội xa xứ… cũng sẽ có rất nhiều thông tin cho bạn tham khảo về giá nhà, giá các phụ phí.
NHỮNG GIẤY TỜ CẦN CHUẨN BỊ KHI THUÊ NHÀ
- Mẫu đơn đăng kí thuê nhà (Antrag).
- Bản sao hộ chiếu hoăc giấy phép cư trú (Kopie desisums/Aufenthaltsgenehmigung).
- Bản chứng minh thu nhập (Lohn-/Gehaltsbescheinigung).
- Nhiều giấy tờ khác nữa theo yêu cầu của chủ nhà. (sonstiges).
Vậy nên, việc đi thuê nhà ở Đức là một hành trình dài và gian nan, riêng các thủ tục giấy tờ đã rất phức tạp. KAHA đã nhấn mạnh ngay từ khi mở bài, bạn nên chuẩn bị cho mình một tinh thần thép trên cuộc hành trình này. Không chỉ giấy tờ mà còn lưu ý về hợp đồng nhà nữa!
III. CHIẾN LƯỢC KHI ĐI THUÊ NHÀ
Tìm, tìm và tìm
Phải tích cực nhanh chóng nắm bắt lấy cơ hội vì nhà được cập nhật trên web liên tục (tính bằng phút). Đừng ngần ngại gọi điện cho nhà/chủ nhà để xin lịch hẹn đến xem nhà. Hãy cố gắng chọn 1 lịch hẹn sớm nhất có thể, đến sớm nhất và tiếp xúc với chủ nhà sớm nhất, cơ hội thành công của bạn lớn hơn rất nhiều. Nếu cần viết mail, hãy viết mail thật trau truốt rồi gửi đi khắp nơi, thấy chỗ nào gửi chỗ đó, để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào.
Tìm được thì phải làm sao?
Đương nhiên khi tìm được nhà mình phải đến xem tận nơi. Bạn cần xem khi ở nhà đó mình có được các tiện ích sau không:
+ Được đăng ký nhân khẩu không (việc này rất quan trọng liên quan đến việc ra hạn thị thực ở Sở ngoại kiểu bạn cần phải có Anmeldebescheinigung).
+ Phải đặt cọc bao nhiêu tháng tiền nhà (thường là 3 tháng tiền Kaltmiete).
+ Nếu ở chung (2er-/3er-WG) thì sẽ phải sử dụng chung nhà vệ sinh và bếp và sẽ có bổn phận và trách nhiệm lên kế hoạch dọn dẹp khu vực chung như thế nào?
+ Hầm để xe đạp có không (phương tiện yêu thích được nhiều học viên sử dụng).
+ Tiện ích gần khu nhà thuê (bến tàu/xe, khu chợ, bưu điện, cửa hàng thực phẩm Châu Á…).
+ Nơi đổ rác có gần không?
Không tìm được nhà ở thì phải làm sao?
+ Ở nhờ (người thân, bạn bè…).
+ Ở khách sạn, nhà nghỉ Hostel/Jugendherberger (sau đó tìm nhà rồi chuyển).
+ Ở nhà đắt 1 chút hơn với kế hoạch ban đầu.
LƯU Ý VỀ HỢP ĐỒNG KHI THUÊ NHÀ
Khi nhận hợp đồng thuê nhà, bạn nên lưu ý những điểm quan trọng này nhé:
- Thời hạn của hợp đồng thuê nhà (Mietdauer).
- Tiền nhà hàng tháng: tiền nhà ở đây có thể là Warmmiete bao gồm hoặc Kaltmiete không tiền chi phí phụ – như điện, nước, lò sưởi,… bạn phải đọc kĩ trước khi kí hợp đồng nhé.
- Tiền đặt cọc nhà (Kaution).
- Quy định về vật nuôi trong nhà.
- Đồ nội thất, đồ dùng có trong nhà (Checklist).
- Hình thức thanh toán tiền nhà (Zahlung der Miete).
- Các quy định về vệ sinh khu vực chung (Hausordnung), thời gian nghỉ ngơi (Ruheszeit).
- Những quy định khi sửa chữa dù là nhỏ hay làm đẹp (Schönheitsreparaturen).
- Bảo quản và giữ gìn những vật dụng trong nhà (Instandhaltung der Mietsache).
- Thời hạn trả nhà (thường phải báo chủ nhà trước 3 tháng trước khi dọn đi (Kündigungsfrist).
Riêng hợp đồng nhà đã rất nhiều điều khoản và phức tạp phải không nào. Bạn cần đặc biệt lưu ý về phụ phí bên cạnh tiền thuê nhà hoặc các điều khoản bổ sung về quy định nhà, bồi thường nếu hỏng hóc nếu không muốn phải trả thêm tiền khi có vấn đề xảy ra nhé.
Đi tìm nhà thật khó phải không, đặc biệt là khi bạn là du học sinh mới sang Đức trong những ngày tháng đầu tiên thì hành trình này sẽ khiến bạn tủi thân và cô đơn kinh khủng. Du học sinh mới còn chưa quen với các giấy tờ và thủ tục hành chính thì hợp đồng nhà và giấy tờ đăng kí dịch vụ sẽ là nỗi ác mộng với bạn. Đừng lo KAHA sẽ luôn đồng hành và giúp đỡ bạn.
Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP TÁC QUỐC TẾ KAHA ✓ Địa chỉ: Số 5.34 Khu đô thị Khai Sơn, Phường Thượng Thanh, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội ✓ Hotline: 0977 629 439 ✓ Website: https://www.facebook.com/duhockaha ✓ Facebook:https://www.facebook.com/duhockaha |