HÀN QUỐC: SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TIỀN BỐI – HẬU BỐI

Ở Hàn Quốc có hai danh từ là “선배” (tiền bối) và “후배” (hậu bối), chỉ người học cao hay thấp hơn mình, hoặc là thứ tự vào lớp học, công ty, trung tâm dạy nghề…

1. Quan hệ tiền bối – hậu bối không dựa vào độ tuổi:

Ở Việt Nam cũng có khái niệm đàn anh, đàn em, khóa trên, khóa dưới trong trường học, nhưng thường chỉ dựa vào độ tuổi – người ít tuổi hơn thì phải lễ phép, đúng mực với người nhiều tuổi hơn… Tuy nhiên quan hệ tiền bối – hậu bối ở Hàn Quốc lại là một quy chuẩn khắt khe, được nâng lên tầm là quan hệ xã hội. Quan hệ tiền bối – hậu bối không dựa vào độ tuổi, dù nhỏ tuổi hơn nhưng có kinh nghiệm trước, vào học trước thì các đàn em có lớn hơn cả chục tuổi vẫn phải cúi đầu chào cung kính.

 

2. Quan hệ tiền bối- hậu bối gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ mỗi bên:

Trong mỗi tên gọi này đều chứa đựng những trách nhiệm và nghĩa vụ khác nhau. Ví dụ như là “tiền bối” không phải chỉ ngồi trên “ra lệnh” mà phải ra dáng bậc đàn anh, phải có trách nhiệm nâng đỡ, giúp đỡ cho những thế hệ hậu bối đi sau. Trong các trường đại học thường có sinh hoạt đồng môn (동문), nơi gặp gỡ giữa các tiền bối và hậu bối. Các tiền bối đã ra trường sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, giới thiệu việc làm cho hậu bối. Các tiền bối khi đã có công việc ổn định cũng sẽ là người trả tiền trong các bữa ăn.

Còn trách nhiệm của hậu bối là gì? Tất nhiên là phải luôn luôn lễ phép, nghe lời sai bảo của tiền bối, phải đón bắt thái độ, tâm tư của tiền bối (눈치보다) để có cách hành xử cho đúng. Nhiều khi hậu bối cũng phải mất một khoản “trà thuốc” để phục vụ tiền bối. Các nghệ sĩ, nhóm nhạc Idol K-pop một khi đã bị khép tội “hỗn láo” hay coi thường nhóm nhạc đàn anh thì sẽ rất khó lấy lại được hình ảnh tốt đẹp trước đó. Việc hành xử lễ phép, kính trọng với tiền bối được coi là một trong những quy chuẩn đánh giá đạo đức trong xã hội.

 

3. Được và mất trong quan hệ tiền bối – hậu bối:

Được: Tinh thần đoàn kết, sự phát triển của tập thể.

Những ngành học có quan hệ tiền bối – hậu bối vững mạnh, đoàn kết sẽ rất phát triển vì thế hệ trước nâng đỡ bảo ban cho thế hệ sau. Người đi trước sẽ có nhiều kinh nghiệm, các mối quan hệ, nhưng nếu họ hoạt động độc lập, “giấu” hết các thông tin hay, các cơ hội tốt thì người đi sau sẽ lại mất một khoảng thời gian tương đương hoặc nhiều hơn để theo kịp người đi trước. Trong nhiều trường hợp, tiền bối không chỉ là người dẫn dắt hậu bối trong công việc, học tập mà còn là người thầy tư vấn cho hậu bối cách ứng xử trong cuộc sống.

Mất: Tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới”, tính tôn ti trật tự kiểu rập khuôn, triệt tiêu tinh thần sáng tạo cá nhân.

Trong trường học, cơ quan, công ty Hàn Quốc có một luật lệ bất thành văn là cấp trên sẽ được quyền sai bảo người cấp dưới. Vì vậy nên mới có tình trạng tiền bối bắt nạt, chèn ép, sai bảo hậu bối vô lý. Nếu gặp phải những tiền bối “ma” thì các hậu bối sẽ phải “ngậm đắng nuốt cay” làm hết bài tập nhóm hay phải trả tiền khi đi ăn. Trong lễ đón sinh viên mới nhân dịp kì học mùa xuân vừa qua, một loạt tân sinh viên ở các trường đại học danh tiếng như Yonsei, Kukmin, Korea đã lên mạng tố cao các tiền bối bắt nữ sinh uống rượu và…ngồi lên đùi các đàn anh. Hội trưởng hội sinh viên của tường Konkuk cũng đứng ra thừa nhận và xin lỗi công khai về việc này nhưng vẫn không làm dịu bớt đi sự phẫn nộ của dư luận trong nước.

Việc người dưới phải hoàn toàn nghe theo lời người trên theo kiểu quân đội sẽ giúp cho bộ máy làm việc trơn tru, theo đúng kỉ luật đề ra, nhưng về lâu về dài đây sẽ là yếu tố cản trở tinh thần sáng tạo, tước mất quyền bảy tỏ ý kiến cá nhân của thế hệ đi sau.

 

4. Sinh viên hoặc nhân viên nước ngoài tập thích nghi với quan hệ tiền bối- hậu bối trong nhà trường, công ty như thế nào?

Nếu bạn chỉ ở lại Hàn Quốc học trong một thời gian ngắn và có ít mối quan hệ với người Hàn Quốc thì không cần lo lắng về điều này, ít nhiều bạn sẽ được “bao dung”, thông cảm vì là người nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu bạn học hệ đại học 4 năm, học cao học, làm nhân viên trong các công ty Hàn Quốc thì nhất thiết phải chú ý tới vấn đề “tôn ti trật tự” để không ảnh hưởng tới công việc của bản thân. Ngược lại, khi bạn đã học tập lâu dài và tham gia một câu lạc bộ (동아리) hay làm việc ở công ty Hàn Quốc được một, hai năm và sau đó đón các “đàn em” mới vào; tự nhiên trong ý thức của bạn cũng sẽ hình thành thói quen “để ý” xem các đàn em có nói kính ngữ hay chào hỏi mình có lễ phép hay không.

Khi mới vào làm việc ở trong công ty Hàn Quốc bạn cũng nên ghi lại cơ cấu tổ chức nhân sự và nhanh chóng nhớ tên tuổi, chức vụ của những người Hàn Quốc làm cùng. Làm ở công ty thì không gọi là 선배님 như trong trường học hay “anh, chị” như ở Việt Nam mà phải gọi bằng chức vụ như “사장님, 실장님, 대리님”…Dù ở môi trường nào thì ngoài năng lực, sự khéo léo trong giao tiếp, ứng xử, cách điều hòa các mối quan hệ xã hội cũng sẽ là các “vũ khí” giúp bạn thành công trong công việc và cuộc sống.

 

Mọi thông tin xin liên hệ:

CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP TÁC QUỐC TẾ KAHA

✓ Địa chỉ: Số 5.34 Khu đô thị Khai Sơn, Phường Thượng Thanh, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội

✓ Hotline: 0977 629 439

✓ Website: https://www.facebook.com/duhockaha

✓ Facebook: https://www.facebook.com/duhockaha

close-link
0977.629.439