13 LOẠI KIMONO CỦA NỮ GIỚI

Bạn có biết rằng có rất nhiều loại kimono khác nhau dành cho nữ giới để mặc trong những dịp khác nhau hay không? Kimono dành cho phụ nữ độc thân và phụ nữ đã kết hôn cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Nhật Bản có một bộ sưu tập lớn các loại trang phục truyền thống và thường khá phức tạp, vì vậy trước khi chọn kimono, hãy tìm hiểu xem có bao nhiêu loại kimono nhé!

 

Uchikake:

“Uchikake” là một loại kimono trang trọng, được sử dụng làm trang phục cô dâu hoặc trong các buổi biểu diễn sân khấu truyền thống như kabuki. “Uchikake” chỉ lớp ngoài của trang phục cưới truyền thống của Nhật Bản dành cho phụ nữ, thường có tông màu chính là đỏ tươi hoặc trắng tượng trưng cho việc trở thành một người vợ. Uchikake cũng được trang trí bằng những họa tiết thêu hoặc với các kỹ thuật khác nhau như “shibori” (nhuộm cà vạt) và “surihaku” (tạo điểm nhấn bằng cách dát vàng hoặc bạc trên vải.)

Vì thường được mặc bên ngoài kimono và không cần phải buộc lại bằng thắt lưng “obi”, các họa tiết trên uchikake thường thấy là sếu, rùa, phượng hoàng, cây thông, tre, hoa mận và xe bò, là những biểu tượng của sự may mắn. Một chiếc uchikake thường dài hơn một cỡ so với kimono mặc bên trong để có thể phủ bên trên sàn nhà. Do đó, để tránh không cho uchikake bị sờn vải, loại trang phục này thường có một lớp đệm dày dọc theo viền áo. Phần viền này đặc biệt dày và dài cũng có tác dụng làm cho người mặc trông cao hơn nhờ một thủ thuật nâng cao góc nhìn.

Cái tên “uchikake” xuất phát từ động từ “uchikakeru” (khoác lên mình) dùng để chỉ những bộ trang phục của các giai cấp thống trị vào thế kỷ 16 – các loại kimono không cần thắt dây. Uchikake xuất hiện lần đầu vào thời Muromachi (1336 – 1573), được mặc bởi các nữ samurai. Trong thời kỳ Edo (1603 – 1868), phụ nữ có địa vị cao hơn ở Lâu đài Edo hoặc các phu nhân cao quý ở Cung điện Hoàng gia cũng mặc trang phục này hàng ngày. Tại một số “yukaku” (khu đèn đỏ hợp pháp) thời Edo, uchikake thậm chí còn được sử dụng làm kimono cho những “tayu” (những ca kỹ cấp cao nhất). Chỉ đến nửa sau thời kỳ Edo, những phụ nữ giàu có mới bắt đầu sử dụng nó như một trang phục cưới trang trọng.

 

Shiromuku:

Shiromuku – wusen photo

“Shiromuku” là những bộ kimono uchikake trắng nổi bật với những họa tiết thêu tuyệt đẹp được các cô dâu mặc trong lễ cưới truyền thống theo Thần đạo Nhật Bản. Đây là một loại kimono trang trọng, được trang trí rất công phu, được coi là loại trang phục cưới truyền thống uy tín nhất của Nhật Bản. Cũng như uchikake, trang phục cô dâu shiromuku bao gồm các phụ kiện như “katsura” (tóc giả dành cho cô dâu), “kanzashi” (trâm cài tóc), “suehiro” (quạt gấp), “hakoseko” (một loại túi đựng đồ trang điểm) và một “kaiken” (một con dao găm ngắn mà những nữ samurai dùng để tự vệ). Cô dâu cũng đội “tsunokakushi” (mũ cưới hình chữ nhật màu trắng) hoặc “wataboshi” (mũ cô dâu màu trắng chỉ được đeo với shiromuku). Các cô dâu có thể thường mặc shiromuku trong lễ thành hôn và sau đó mặc “iro uchikake” (uchikake có màu) cho tiệc cưới của mình.

Chữ kanji của từ “shiromuku” có nghĩa là “trong trắng”, đó là vì màu trắng là một màu thiêng liêng, được coi là “màu của mặt trời” từ thời cổ đại. Bộ quần áo màu trắng này tượng trưng cho sự tinh khiết và dịu dàng. Shiromuku vốn là một loại trang phục cô dâu dành cho phụ nữ samurai trong thời kỳ Muromachi. Truyền thống sử dụng shiromuku kết hợp với wataboshi cũng có từ thời kỳ đó, vì những bộ kimono dành cho phụ nữ thời bấy giờ thường có thể trùm lên đầu để bảo vệ bản thân khỏi bụi bặm và gió lạnh.

 

Furisode:

“Furisode” là kiểu kimono trang trọng nhất dành cho phụ nữ trẻ chưa lập gia đình ở Nhật Bản. Bạn có thể nhận ra một chiếc furisode thông qua ống tay áo dài, thường có chiều dài từ 80 cm đến 114 cm. “Ofurisode” (furisode cỡ lớn) thường có chiều dài tay áo khoảng 114 cm, thường được các cô dâu mặc tại tiệc cưới thay cho iro uchikake. Chiều dài tay áo của “chufurisode” (furisode cỡ trung bình) là khoảng 100cm. Đây là bộ kimono mà nữ giới Nhật Bản thường mặc trong lễ trưởng thành, hoặc sử dụng như một bộ kimono trang trọng dành cho nữ giới chưa kết hôn tham dự lễ cưới, các buổi tiệc trang trọng hoặc các loại nghi lễ khác bao gồm cả lễ tốt nghiệp và thường được mặc cùng với “Hakama” (quần mặc ngoài kimono).

Cuối cùng, tay áo của “kofurisode” (furisode cỡ nhỏ) thường dài khoảng 80 cm. Kofurisode đôi khi còn được gọi là “nishaku kimono” vì “nishaku” (2 shaku) là một kiểu đo truyền thống, tương ứng với 76 cm. Kofurisode thường được kết hợp với “hakama” làm trang phục tốt nghiệp cho các nữ sinh. Furisode được trang trí bằng các hoa văn truyền thống, đầy màu sắc thể hiện niềm hy vọng về hạnh phúc, may mắn và trường thọ. Vì lý do này, furisode được sử dụng trong những lễ kỷ niệm hay những mốc quan trọng trong cuộc đời của một người.

Furisode là một loại kimono dành cho phụ nữ trẻ trong thời kỳ Edo và cái tên này có nghĩa là “tay áo vung vẩy”. Có rất nhiều giả thuyết khác nhau giải thích lý do tại sao tay áo của furisode lại dài như vậy. Theo một giả thuyết, sau khi Nhật Bản bước vào thời kỳ ổn định, nhận thức về văn hóa của người dân tăng lên và nhiều phụ nữ trẻ bắt đầu đi học khiêu vũ. Vì tay áo dài hơn sẽ giúp chuyển động trông đẹp hơn khi khiêu vũ, nên tay áo kimono đã được kéo dài ra. Các vũ công cũng sử dụng áo dài để thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình và điều này đã trở nên phổ biến trong thời kỳ đó. Cuối cùng, từ thời cổ đại, hành động “lắc lư” hay “vung vẩy” còn có ý nghĩa là “chạm vào trái tim của các vị thần”, “triệu hồi các vị thần” và “xua đuổi ma quỷ”. Vào thời Edo, nó còn được hiểu là “chạm vào linh hồn của người thân yêu”, vì vậy furisode được sử dụng để truyền đạt cảm xúc và thể hiện tình cảm. Đây là lý do tại sao nó lại gắn liền với phụ nữ chưa lập gia đình.

 

Tomesode:

“Tomesode” là loại kimono trang trọng dành cho những phụ nữ đã lập gia đình. Tomesode thường có tay áo ngắn hơn và được trang trí bằng một hoa văn không ngắt quãng và khá phức tạp, thường được gọi là “eba moyo” nằm theo đường chéo ở phần dưới dọc theo viền áo. Có hai loại tomesode là “kurotomesode” (tomesode đen) và “irotomesode” (tomesode nhiều màu sắc khác nhau).

Vào thời Edo, khi phụ nữ đến tuổi trưởng thành, ống tay áo của họ sẽ được cắt ngắn hơn và nối bằng cách khâu chúng lại. Vì động từ “kiru” (cắt đứt) trong tiếng Nhật cũng có nghĩa xấu là “cắt đứt mối quan hệ”, nên thay cho từ này, người ta dùng động từ “tomeru” (buộc lại), từ đó cái tên “tomesode” đã được ra đời. Ban đầu, bất kỳ người phụ nữ trưởng thành nào cũng sẽ đeo một chiếc tomesode, nhưng sau đó nó chỉ được sử dụng để dành cho những phụ nữ đã có gia đình. Lý do là tay áo ngắn hơn sẽ tiện lợi hơn khi làm việc nhà và phụ nữ đã kết hôn không cần tay áo kimono dài để thể hiện tình cảm đến người yêu của mình nữa.

Ban đầu, vì tomosode được tạo ra từ furisode nên chúng có nhiều màu sắc và hoa văn khác nhau. Nhưng vào thời Edo, sau khi một loại kimono được gọi là “edozuma” có họa tiết nằm dọc theo viền áo trở nên phổ biến trong giới geisha ra đời, lối thiết kế tương tự đã được áp dụng cho tomesode.

・Kurotomesode:

Màu đen được sử dụng làm tông màu cơ bản cho tomesode vào thời Minh Trị (1868 – 1912) và có ảnh hưởng bởi những loại trang phục phương Tây. Kurotomesode là loại kimono trang trọng nhất dành cho phụ nữ đã kết hôn và thường được mặc trong lễ cưới và tiệc chiêu đãi được tổ chức bởi quan viên hai họ. Kurotomesode có năm gia huy và có các hoa văn trang nhã như lá vàng và được coi là điềm lành, thể hiện mong muốn về niềm vui và hạnh phúc.

・Irotomesode:

“Irotomesode” là một tomesode có tông màu cơ bản không phải là màu đen. Mức độ trang trọng của loại trang phục này phụ thuộc vào số họa tiết. Với năm họa tiết, tomesode sẽ có mức độ trang trọng ngang với kurotomesode. Nếu có ba họa tiết, loại tomesode này sẽ được mặc vào các dịp trang trọng và loại tomesode có một họa tiết trang trí thường phù hợp cho các sự kiện ít trang trọng hơn như lễ nhập học và lễ tốt nghiệp. So với kurotomesode, irotomesode là một loại kimono có thể được mặc vào nhiều dịp khác nhau và không chỉ giới hạn với phụ nữ đã lập gia đình. Họ hàng, ngoại trừ mẹ của cô dâu và chú rể, có thể chọn mặc irotomesode với 5 kiểu họa tiết trong đám cưới và tiệc chiêu đãi khách tham dự. Những vị khách tham dự tiệc cưới có thể chọn một chiếc irotomesode có từ 1 đến 3 họa tiết. Tomesode cũng có thể được mặc trong các bữa tiệc trang trọng, phong tặng danh hiệu và các chuyến viếng thăm hoàng cung.

 

Homongi:

“Homongi” là những bộ kimono bán trang trọng có một họa tiết hoặc không có điểm nhấn nào. Thiết kế Eba moyo thường nằm dọc theo viền áo, trên vai, ngực và tay áo trông như một bức tranh liền mạch xuất hiện trên bộ kimoono. Homongi có rất nhiều mẫu và màu sắc đa dạng, từ phong cách cổ điển đến hiện đại.

Homongi phù hợp với cả phụ nữ đã kết hôn và chưa kết hôn và có thể mặc vào nhiều dịp khác nhau, từ các dịp thông thường đến các dịp trang trọng hơn, chẳng hạn như biểu diễn sân khấu, tiệc trà và nghi lễ, họp lớp, ghé thăm đền thờ, lễ nhập học hoặc lễ tốt nghiệp dành cho trẻ em, hay “shichigosan” (một nghi thức truyền thống dành cho các bé gái 3 và 7 tuổi và các bé trai 3 và 5 tuổi), và các sự kiện khác như tiệc vào buổi tối hoặc tiệc mừng năm mới. Bạn bè và người quen cũng có thể mặc bộ trang phục này trong đám cưới. Điều quan trọng là chọn màu sắc và họa tiết của homongi sao cho phù hợp với sự kiện và thời điểm trong năm. Ví dụ, kimono với màu sắc tươi sáng, sang trọng với hoa văn cổ điển sẽ phù hợp cho đám cưới. Trong khi kimono với màu sắc nhẹ nhàng với hoa văn trang nhã sẽ được ưu tiên sử dụng cho các sự kiện như lễ nhập học hoặc lễ tốt nghiệp và shichigosan.

“Homongi” có nghĩa là “trang phục đi tham quan” và nó đã được coi như một bộ kimono “thích hợp để đến thăm nhà một ai đó” vào thời Taisho (1912 – 1926) bởi cửa hàng bách hóa Mitsukoshi do nhu cầu ngày càng tăng về số lượng kimono thông thường để mặc đi chơi. Được đánh giá là rất tiện lợi, homongi đã nhanh chóng được rất nhiều người dân ưa chuộng.

 

Tsukesage:

“Tsukesage” là loại kimono dành cho cả phụ nữ đã kết hôn và chưa kết hôn. Loại kimono này không trang trọng bằng homongi, nhưng có thể thay đổi tùy thuộc vào các phụ kiện và hoa văn được chọn.

Nhìn chung, các họa tiết của tsukesage ít trang trọng hơn, nhỏ hơn và được sắp xếp một cách cân đối ở viền, tay áo, ngực và vai. Trái ngược với homongi, thông thường, các hoa văn trên tsukesage sẽ không nằm trên các đường may và ngay cả khi có họa tiết “eba moyo”, trang phục này vẫn sẽ được thiết kế để trông khiêm tốn hơn homongi hoặc tomesode. Một điểm khác biệt quan trọng nữa là tsukesage thường được nhuộm và bán trong các cửa hàng kimono với tên gọi là “tanmono” (một loại vải dệt truyền thống của Nhật Bản được sử dụng để làm kimono) và sau đó được may đo, trong khi homongi được nhuộm sau khi các mảnh vải đã được thiết kế và thường được may tạm thời để trưng bày trong một cửa hàng kimono.

Tsukesage thường được mặc trong các sự kiện như lễ nhập học và lễ tốt nghiệp của trẻ em, các bữa tiệc nhỏ, các buổi tụ tập, tiệc trà bán trang trọng, đến thăm nhà khách hàng, tham dự một buổi biểu diễn sân khấu như vở kịch kabuki và các sự kiện bán trang trọng khác.

Tsukesage ít trang trọng hơn so với homongi vào thời Taisho và đầu thời Showa. Tuy nhiên, sau đó, việc mặc trang phục này cũng phổ biến hơn trong thời kỳ Chiến tranh Thái Bình Dương (1941-1945) bởi những bộ đồ sang trọng và các loại kimono cao cấp, đắt tiền khác đã bị cấm do chủ trương “xa xỉ là kẻ thù” và mọi người không nên hướng tới lối sống xa xỉ trong thời điểm khó khăn như vậy.

 

Iromuji:

“Iromuji” là một bộ kimono được nhuộm bằng một màu duy nhất ngoài màu đen và trắng, không có họa tiết hay hoa văn thêu đi kèm. Iromuji có thể có màu đồng nhất hoặc được làm tư “jimon” (một loại vải dệt) và có vẻ ngoài đơn giản, tinh tế. Iromuji thường được mặc trong các bữa tiệc và nghi lễ trà, nhưng cũng được sử dụng trong nhiều các dịp trang trọng, bán trang trọng và những dịp thông thường tùy thuộc vào số lượng họa tiết, phụ kiện và màu sắc của chúng.

Khi được sử dụng như trang phục để mặc vào các dịp trang trọng, iromuji với màu sắc tươi sáng như hồng, vàng hoặc jimon sẽ phù hợp để tham dự đám cưới, tiệc trà và các buổi lễ, lễ shichigosan, lễ nhập học hoặc lễ tốt nghiệp. Trong khi iromuji với các màu trung tính như xanh đậm hoặc xám sẽ thích hợp để dự đám tang. Khi iromuji được sử dụng làm trang phục bình thường hàng ngày, các bữa tiệc bình thường và bữa tối với bạn bè, bạn có thể mặc cùng các phụ kiện đi kèm như một chiếc obi với màu sắc bắt mắt, không có các họa tiết vàng hoặc bạc để tạo ra sự tương phản với bộ kimono trơn, hoặc một chiếc obi có cùng tông màu để giúp bộ trang phục của bạn thêm sành điệu hơn.

 

Komon:

Komon – maihanami.blogspt.com

“Komon” là một loại kimono có các hoa văn giống nhau được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm stencil gọi là “katazome”. “Komon” có nghĩa là “hoa văn nhỏ”, nhưng kích thước thực tế của các hoa văn có thể khác nhau. Chúng có thể được trang trí trên toàn bộ bộ kimono, thường phủ kín hoặc để lại một số khoảng trống ở giữa.

Nói chung, komon được coi là trang phục hàng ngày, nhưng tùy thuộc vào họa tiết, phụ kiện mà bạn có thể mặc chúng để tham dự các sự kiện khác nhau. Ví dụ, các mẫu họa tiết xa hoa như các công cụ truyền thống rất phù hợp cho các bữa tiệc thông thường, biểu diễn sân khấu, tiệc tối và tiệc trà. Các loại komon với các họa tiết hoa thông thường có thể mặc để tham gia các lớp học múa, âm nhạc, trà đạo và cắm hoa truyền thống của Nhật Bản, cũng như tụ tập với bạn bè và đi dạo quanh thị trấn.

Vì komon có rất nhiều mẫu khác nhau nên bạn có thể cân nhắc cả các thiết kế theo mùa với các họa tiết hoa. Ngoài ra, komon cũng có một loạt các mẫu hoa văn khác như hình học, động vật và các nhân vật, hoặc các công cụ như quạt gấp hoặc trống, v.v. Được sử dụng như trang phục hàng ngày, komon có thể sánh ngang với một chiếc váy thông thường. Vì vậy, bạn có thể thoải mái kết hợp chúng các phụ kiện nhiều màu sắc, họa tiết độc đáo khác nhau để thể hiện gu thời trang của mình.

・Edo Komon

Edo Komon – maihanami.blogspt.com

Edo komon là một loại komon được nhuộm một màu, có nguồn gốc từ loại kimono trang trọng được mặc trong thời kỳ Edo của các gia tộc samurai “daimyo” (lãnh chúa phong kiến) thời xưa. Khi các gia tộc tranh nhau để có được những bộ phục trang với hoa văn xa hoa nhất, Mạc phủ đã quyết định cấm những loại hoa văn xa xỉ một cách không cần thiết, do đó, Edo komon đã ra đời.

Các họa tiết trên Edo komon rất nhỏ và chi tiết đến mức nhìn từ xa, chúng trông như một bộ kimono đơn giản vậy. Mỗi gia tộc samurai chỉ được sử dụng một loại hoa văn nhất định để đại diện cho gia tộc mình và phải tránh các hoa văn được sử dụng bởi các gia tộc khác. Thông thường, edo komon được coi là trang phục bình thường, thường đặc trưng bởi các thiết kế vui tươi và bắt mắt. Tuy nhiên, một số mẫu như “same” (một loại họa tiết cực kỳ chi tiết và nhỏ giống như da cá mập), “gyogi” (họa tiết chấm chéo) và “kakudoshi” (họa tiết hình vuông nhỏ được sắp xếp theo chiều dọc và chiều ngang) xuất hiện trên trang phục của samurai cũng được coi là những họa tiết cao cấp dành cho Edo komon, nên khi kêt hợp với gia huy, bộ trang phục này trở thành kimono dành cho những dịp bán trang trọng.

 

Natsu no Kimono và Usumono:

Vào những tháng ấm hơn, bạn có thể mặc “natsu no kimono” (kimono mùa hè) được gọi là “usumono”, nghĩa đen là “quần áo mỏng” vì chúng không có lớp lót và nếu có thì cũng gần như có thể nhìn xuyên qua được. Theo quy định, usumono chỉ nên được mặc vào tháng 7 và tháng 8, nhưng gần đây, với nhiệt độ ngày càng cao, quy tắc này đã không còn được phát huy và ngày càng có nhiều người bắt đầu mặc chúng vào tháng 5 và tháng 6.

Được làm từ các loại vải như lụa tơ tằm “ro”, lụa tơ tằm “sha” và sợi gai dầu hoặc vải lanh, usomono nên vô cùng thoáng mát. Trang phục kimono mùa hè được phối hợp với nhiều họa tiết bắt mắt. Chúng tôi khuyên bạn nên chọn các phụ kiện phù hợp như “nagajuban” (quần áo mặc dưới kimono) được làm từ chất liệu giống với kimono và chọn các màu tạo cảm giác mát mẻ và nhẹ nhàng. Bạn cũng nên dùng một chiếc áo khoác dạ tối màu, giúp tăng độ tương phản với nagajuban màu trắng bên dưới.

Vải lụa Ro có thể được được dùng cho tomesode, homongi, iromuji và komon, vì vậy chất liệu này có thể được sử dụng cho nhiều sự kiện trang trọng, bán trang trọng và những sự kiện thông thường khác nhau vào mùa hè. Vải lụa Sha ít trang trọng hơn, vì vậy, nó phù hợp cho các sự kiện bán trang trọng và thông thường. Cuối cùng, vải dầu hoặc vải lanh chỉ được sử dụng để mặc trong các dịp thông thường và cực kỳ phổ biến vì chúng cũng có thể dễ dàng giặt tại nhà.

 

Yukata:

“Yukata” theo nghĩa đen có nghĩa là “quần áo tắm”, mặc dù ngày nay chúng không còn được sử dụng với mục đích như vậy nữa. Đây là loại trang phục truyền thống không có đường viền và kiểu tay áo ngắn, thường được làm bằng bông, vải lanh hoặc vải dầu để sử dụng vào mùa hè. Yukata phù hợp với mọi lứa tuổi, thích hợp cho các dịp tụ tập như ở trong ryokan hoặc suối nước nóng, tham dự các lễ hội mùa hè và “hanabitaikai” (lễ hội pháo hoa), các hoạt động mùa hè khác hoặc đơn giản chỉ là đi dạo vào mùa hè.

Yukata trở nên phổ biến trong thời kỳ Edo và phát triển từ một loại kimono lụa một lớp mặc trong nhà tắm của tầng lớp thượng lưu. Vào khoảng năm 1800, các linh mục bắt đầu ngâm mình trong nước để thanh lọc cơ thể. Tầng lớp samurai và quý tộc cũng làm theo, nhưng vì lụa không thích hợp để mặc dưới nước nên thay vào đó người ta bắt đầu mặc các loại vải cotton hoặc vải lanh. Cuối cùng, phong tục này cũng lan sang tầng lớp trung lưu và thấp hơn và cả các nhà tắm công cộng được mở ở Tokyo. Những người đi bộ từ nhà đến nhà tắm bắt đầu muốn mặc những bộ yukata bắt mắt khi ở nơi công cộng và đây là cách mà yukata thời hiện đại ra đời.

 

Odori Isho:

Với lịch sử hơn 430 năm, Awa Odori của tỉnh Tokushima là một trong những lễ hội khiêu vũ và nghệ thuật biểu diễn truyền thống nổi tiếng nhất Nhật Bản. Các vũ công nữ biểu diễn tại lễ hội truyền thống này mặc một loại yukata được gọi là “odori isho”, khác với yukata cổ điển về phụ kiện và cách mặc.

Đối với Awa odori, yukata sẽ được thắt bằng thắt lưng obi màu đen, được vén lên để lộ “susoyoke” (một loại váy truyền thống) đầy màu sắc và đôi khi được mặc kèm với một chiếc tạp dề hình tam giác ở thắt lưng. Ngoài ra, các vũ công awa odori còn mang thêm một chiếc “amigasa” (một loại mũ rơm truyền thống của Nhật Bản), “tekko” (khăn che tay) màu trắng và “geta” (dép truyền thống của Nhật Bản có đế bằng gỗ) có quai màu đỏ và trắng.

 

Juunihitoe:

“Juunihitoe” là một loại lễ phục trang trọng dành cho những nữ quý tộc và cung tần mỹ nữ tại Hoàng cung Nhật Bản vào thời Heian (794-1185.) Ngày nay, nó vẫn được sử dụng trong lễ đăng quang và lễ cưới của Hoàng gia Nhật Bản. Juunihitoe bao gồm áo choàng giống kimono, xếp nhiều lớp lên nhau và một chiếc áo choàng bên ngoài được thiết kế để lộ những lớp phục trang bên dưới xung quanh tay áo, viền áo và cổ.

“Juunihitoe” có nghĩa là “mười hai lớp”, tuy nhiên số lượng lớp áo mặc bên trong có thể khác nhau. Nó có thể có tới 20 lớp, nhưng cũng có thể chỉ có khoảng 5 lớp như những bộ trang phục ở cuối thời Heian. Số lượng và loại lớp áo cũng như các phụ kiện cũng có thể thể hiện được độ trang trọng của từng loại Juunihitoe. Các nhà quý tộc thời Heian đặc biệt chú ý đến màu sắc và cách thiết kế kết hợp màu cho nhiều lớp áo được gọi là “kasane no irome”, đại diện cho các mùa khác nhau. Điều này đặc biệt quan trọng vì nó thể hiện gu thẩm mỹ và đẳng cấp của người mặc.

 

Awase Kimono vs Hitoe Kimono: Có gì khác nhau?

Tất cả kimono đều được chia thành hai loại là “awase” và “hitoe”. Hầu hết các loại kimono được mặc trong năm là kimono awase, là loại kimono hai mảnh. Vì awase giúp giữ ấm tốt hơn nên chúng thường được mặc trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 5. Trong khi đó, kimono hitoe không có lớp lót nên nhẹ hơn và mát hơn, rất thích hợp để mặc từ tháng 6 đến tháng 9. Nếu thời tiết ấm áp và vào dịp thông thường, bạn cũng có thể mặc kimono hitoe vào tháng 5 hoặc tháng 10.

 

Hãy mặc đúng loại Kimono mình cần và tận hưởng trải nghiệm mặc thử trang phục truyền thống của Nhật Bản

Từ uchikake và shiromuku nhiều màu sắc cho đến tomesode thanh lịch và trang trọng hay những bộ yukata và komon giản dị, chắc hẳn giờ đây, bạn đã biết về các loại kimono khác nhau của Nhật Bản dành cho phụ nữ, bạn chắc chắn sẽ thích trang phục truyền thống nhất của Nhật Bản và trân quý giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời qua hàng nghìn năm của chúng!

 

Nguồn: Tsunagujapan

 

CÔNG TY CỔ PHẦN HỢP TÁC QUỐC TẾ KAHA

✓ Địa chỉ: Số 5.34 Khu đô thị Khai Sơn, Phường Thượng Thanh, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội

✓ Hotline: 0977 629 439

✓ Website: https://www.facebook.com/duhockaha

✓ Facebook: https://www.facebook.com/duhockaha

 

close-link
0977.629.439